Cẩn trọng với bệnh thủy đậu khi thời tiết giao mùa
Dịch thủy đậu lây lan ở nhiều tỉnh miền Bắc với số ca mắc gia tăng liên tục, đối tượng người bệnh bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.
Người lớn cũng mắc thủy đậu, đã có ca tử vong tại Yên Bái
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Yên Bái, bệnh nhân tử vong do thủy đậu là nữ 42 tuổi, bị lây thủy đậu từ con gái. Ngày 25/2/2024, bệnh nhân xuất hiện rải rác các nốt phỏng nước, sau đó sốt thành từng cơn, đau họng, đau vùng cột sống thắt lưng nhưng gia đình không đưa đi khám mà tự mua thuốc về điều trị.
Ngày 28/2, bệnh tình ngày càng nặng, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám và điều trị với chẩn đoán thủy đậu, biến chứng có bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy gan cấp. Sau 3 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. Sau 4 ngày không đỡ, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong ngày 6/3. Bệnh nhân có tiền sử phình mạch máu não cách đây 2 năm.
Ngay sau khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh thủy đầu trên địa bàn, CDC Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch, ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiến hành điều trị nội và ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân mắc thủy đậu với triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng và ngứa rát toàn thân. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, các nốt phỏng thủy đậu vẫn còn xuất hiện nhiều trên mặt và toàn thân. Được biết, bệnh nhân này chưa tiêm vaccine phòng thủy đậu.
Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đang điều trị cho một bệnh nhi 9 tháng tuổi mắc thủy đậu. Do chưa được tiêm phòng nên khi mắc, bệnh nhi bị biến chứng, dẫn tới viêm phổi, xuất hiện nhiều nốt phỏng thủy đậu trên mặt, trên người.
Theo báo cáo từ CDC Hà Nội, trong những tuần gần đây, thành phố đã ghi nhận khoảng 20-30 ca mắc thủy đậu mỗi tuần. Như vậy, có tổng cộng 202 trường hợp mắc bệnh thủy đậu tại Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do thời tiết giao mùa hiện tại, dự báo cho thấy số lượng ca mắc có thể tăng trong thời gian tới.
Cách phòng tránh bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2-6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine. Virus gây thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh hoặc lây qua tiếp xúc trực tiếp với quần áo, chăn gối của bệnh nhân, chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
Do đó, tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Duy trì vệ sinh sạch sẽ trong nhà cửa và nơi làm việc, sử dụng đồ dùng cá nhân riêng và thực hiện vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus. Khi mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế để thăm khám, không nên tự điều trị bệnh tại nhà, tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình.
- Không được chủ quan với bệnh thủy đậu bởi đã có trường hợp tử vong
- Đối tượng nào không nên tiêm vắc-xin thủy đậu?