Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 27/11/2023, 12:20 (GMT+7)

Cách nấu bún vịt măng tươi thơm ngon đậm đà, siêu dễ làm tại nhà

Cách nấu bún vịt với măng ăn vào những ngày thời tiết mưa lạnh hay những ngày se se lạnh thật sự rất tuyệt. Vị thơm ngon nóng hổi của bún với nước dùng ngọt thanh kết hợp với hương thơm chua dịu của măng chỉ cần nghĩ thôi cũng đủ làm ứa nước miếng. Và cách nấu bún vịt với dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách nấu bún măng vịt. Hãy cùng khám phá ngay nhé!

Cách nấu bún vịt với măng tươi 

Cách nấu bún vịt với măng nghe tưởng chừng như đơn giản vì chỉ có 2 nguyên liệu chính là vịt và măng. Tuy nhiên nấu như nào để bún măng vịt không bị hôi, thịt vịt và măng thơm ngon, nước dùng đậm đà thì không phải ai cũng biết.

Nguyên liệu

Để nấu được bún măng vịt ngon, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • 1 con vịt làm sẵn

  • 200g tiết vịt

  • 500g măng tươi

  • 2 củ gừng tươi

  • 1 củ tỏi khô

  • 3 nhánh hành lá

  • 500g bún tươi

  • 1 quả chanh

  • Gia vị: Dầu ăn, mắm, muối, đường, hạt nêm, mì chính…

cach-nau-bun-vit-1
Nguyên liệu nấu bún vịt măng tươi

Các bước cách nấu bún vịt với măng 

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 

Vịt nên mua sẵn con đã được sơ chế ở ngoài chợ nếu như bạn không biết cách thịt vịt. Vịt mua về đem rửa bằng nước muối pha loãng, dùng nửa củ gừng đập dập và rượu chà xát lên thân vịt để khử bớt mùi hôi của vịt. Sau đó, rửa sạch lại với nước. 

Phần gừng còn lại cạo sạch vỏ, rửa sạch và đem thái sợi. Hành và tỏi khô thì bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và băm nhỏ. 

Măng tươi thái thành những sợi dài khoảng 5-7 cm. Cho nồi nước lên lên đun sôi, cho thêm ít muối. Nước sôi thì cho măng vào luộc khoảng 30 phút để giúp măng bớt đắng hơn. Luộc xong thì vớt măng ra rửa sạch với nước nhiều lần. Cuối cùng vớt măng ra rổ để ráo nước.

Tiết vịt đem lên luộc chín rồi cắt thành từng miếng vừa ăn.

Bước 2: Nấu nước dùng 

Cho vịt vào nồi với gừng đập dập, 2 nhánh hành lá, 1 thìa cà phê muối và nước lọc. 

Bắc nồi lên bếp đun sôi. Khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa xuống đun cho vịt chín từ từ, nhớ phải vớt hết bọt khi nấu nước dùng thì nước dùng mới trong và thơm ngon.

Bước 2: Cách nấu bún vịt với măng 

Vịt đã luộc chín thì đem trụng qua nước lạnh để thịt vịt được săn và không bị thâm. Tiếp đó chặt thịt vịt thành nhiều miếng vừa ăn.

Cho hành và tỏi lên chảo phi thơm rồi đổ măng tươi đã ráo nước vào xào. Nêm nếm thêm 1 thìa nước mắm, 1 thìa muối, 1 thìa hạt nêm và đảo đều cho ngấm đều gia vị, có thể nêm nếm sao cho vừa khẩu vị nhé. Đảo măng đều tay cho tới khi ngấm đều gia vị thì cho măng vào nồi nước dùng vừa nấu, nhớ nêm nếm lại và thêm chút hành lá đun chín là tắt bếp.

Bước 3: Pha nước chấm thịt vịt 

Bạn cho vào bát 3 thìa nước mắm, 1 thìa ớt bột, 2 thìa đường và ít gừng thái sợi, vắt thêm ít nước chanh vào khuấy đều.

Thành phẩm

cach-nau-bun-vit-2
Cách nấu bún vịt măng tươi thơm ngon, dinh dưỡng

Cho bún vào tô, xếp thịt vịt lên trên, thêm ít rau thơm rồi đổ nước dùng vào là bạn đã có một tô bún măng vịt thơm ngon, nước dùng đậm đà ăn kèm với rau thơm và nước chấm mắm gừng vừa pha.

Cách nấu bún vịt với măng khô

Nguyên liệu

Để nấu bún vịt với măng khô, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:

  • 1 con vịt đã sơ chế

  • 500g măng khô

  • 2 củ tỏi khô 

  • 1 củ gừng tươi 

  • 2 quả ớt cay

  • 3 củ hành khô

  • 100ml rượu trắng

  • Gia vị và rau thơm như ngò, húng, rau răm…

cach-nau-bun-vit-3
Nguyên liệu nấu bún vịt măng khô

Các bước cách nấu bún vịt với măng khô

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu 

Vịt mua về rửa sạch, sau đó cho ít rượu trắng, muối và gừng đập dập vào chà xát để loại bỏ bớt mùi hôi của thịt vịt. Sau đó đem thịt vịt đi rửa sạch và để ráo. Lấy 1 củ gừng và 2 củ hành khô đi nướng trên bếp cho tới khi có mùi thơm thì bóc vỏ, và đập dập. 

Măng khô ngâm cho đến khi nở xé thành từng miếng vừa ăn. 

Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, đập dập rồi băm nhỏ. 

Các loại rau rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút, vớt ra để ráo nước.

Bước 2: Xào măng. Cho chảo lên bếp với một ít dầu ăn, dầu xôi thì cho măng vào xào. Nêm nếm thêm các gia vị cho vừa ăn và đảo đều cho tới khi măng chín. Nếu như thấy măng xào mà khô quá thì có thể thêm một bát nước nhỏ vào và đun nhỏ lửa khoản 30 phút cho măng chín mềm.

Bước 3: Luộc vịt. Cho vịt vào nồi, thêm 1,5 lít nước, một ít hành và gừng rồi bật bếp đun sôi. Khi sôi thì vặn nhỏ lựa lại và đun cho tới khi vịt chín mềm. Trong quá trình luộc vịt, bạn nên thường xuyên vớt bọt để nước dùng trong và thơm ngon hơn.

Bước 4: Vịt đã chín mềm thì vớt ra, cho măng đã xào vào đun cho tới khi măng mềm thì có thể tắt bếp. Nhớ nêm nêm lại gia vị một lần nữa sao cho hợp với khẩu vị của bạn và các thành viên trong gia đình. 

Thành phẩm

cach-nau-bun-vit-4
Cách nấu bún vịt măng khô

Bún nên chần qua nước sôi mới cho vào tô, xếp thịt, rau và ớt thái lát lên bên trên, đổ thêm nước dùng vào là bạn có thể thưởng thức.

Cách nấu bún vịt với măng chua

Nguyên liệu

Ngoài cách nấu bún vịt với măng tươi và măng khô, bạn cũng có thể nấu với măng chua. Nguyên liệu để nấu bún vịt với măng chua gồm có:

  • 1 con vịt

  • 500g măng chua

  • 1 củ gừng tươi

  • 1 ít hành tím và tỏi khô

  • 1 ít hành lá và rau thơm ăn kèm

  • Rượu, giấm ăn và các loại gia vị 

Các bước cách nấu bún vịt với măng chua

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu 

Thịt vịt rửa sạch, cho thêm ít rượu, gừng đập dập và muối vào chà xát cho bớt mùi hôi và bớt nhớt, giữ như thế khoảng 30 phút thì đem vịt đi rửa sạch lại rồi để ráo. 

Các loại rau đem đi rửa sạch, vớt ra để ráo nước. 

Măng chua đem rửa lại với nước rồi thái thành từng miếng vừa ăn. 

Hành và tỏi khô bóc vỏ, đem đi rửa sạch rồi băm nhỏ.

Bước 2: Ướp thịt vịt 

Cho 1 muỗng nước mắm, hạt nêm, tỏi bam, hạt tiêu vào ướp với thịt vịt đã chặt thành miếng vừa ăn. Lấy màng bọc lại và ướp trong khoảng 45 phút cho các gia vị ngấm đều vào thịt vịt. 

Bước 3: Nấu nước dùng

Cho hành và tỏi băm lên bếp phi thơm thì cho thịt vịt đã ướp vào xào cho tới khi săn lại thì đổ thêm 1,5 lít nước vào đun sôi. 

Đun lửa nhỏ và vớt bọt thường xuyên để nước được trong và thơm ngon.

Trong lúc chờ nước luộc vịt sôi thì bạn xào măng. Cho chảo lên bếp với ít dầu, cho măng vào xào 7 phút. 

Nếu nước vừa sôi thì cho măng vào nước đang hầm luôn. Tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 40 phút nữa thì tắt bếp. Nhớ nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn nhé.

cach-nau-bun-vit-5
Cách nấu bún vịt măng chua

Thành phẩm 

Xếp bún, thịt vịt và rau thơm vào tô, rót thêm nước dùng thơm ngon đậm đà vào là bạn đã có thể thưởng thức.

Cách chọn nguyên liệu tươi ngon 

Cách chọn vịt ngon 

Vì vịt là một trong những nguyên liệu chính để làm bún măng vịt cho nên bạn cần phải lựa chọn được thịt vịt ngon. Một số mẹo chọn vịt ngon như: 

  • Đối với vịt đã sơ chế sẵn: Bạn nên chọn những con vịt có da màu vàng nhạt đều màu, cảm giác tươi ngon. Không nên chọn những con có da bị xỉn màu, thịt bị bở, phù nề, thân vịt có nhiều vết bầm, thâm và bị tụ máu. Bạn có thể ấn nhẹ vào phần ức vịt, nếu như ấn vào thấy thịt chắc, có độ đàn hồi tốt thì đó là thịt vịt ngon.

  • Đối với vịt còn sống: Nên chọn mua những con vịt có bộ lông bóng mượt, vạch lông xem thì không thấy có lông tơ, lớp lông vũ bên ngoài mọc dài đầy đủ. Không nên chọn những con vịt lông bị xù, có mùi hôi, nhìn không được khỏe mạnh vì những con vịt này đã có thể bị mắc bệnh. Lúc cầm vào phần ức vịt thấy tròn đầy, da ở phần bụng và cổ dày thì chắc chắn là vịt ngon. Hai cánh của vịt mà đan chéo nhau thì đó là con vịt đã trưởng thành, nhiều thịt và rất dễ nhổ lông.

Cách chọn mua măng tươi ngon 

Măng tươi nên chọn măng nhìn dáng thẳng, màu sắc nhìn tươi mới, không có đốm đen hay bị héo úa, mềm nhũn. 

Với măng đã luộc sẵn thì nên chọn những loại măng có màu vàng nhẹ, vỏ mỏng, giòn thì đều là măng ngon. 

Không nên chọn những cây măng luộc có màu quá trắng, hoặc màu nâu vàng có nhiều đường vân.

Nên ưu tiên măng có kích thước bé hơn vì măng bé thường dày thịt và ăn ngon, đậm vị hơn so với măng to.

Lưu ý với cách nấu bún vịt với măng: Thời gian luộc măng phải tính từ lúc nước sôi chứ không tính thời gian từ lúc cho nồi nước lên bếp đun. Thời gian luộc măng có thể nhiều hay ít phụ thuộc vào măng to hay nhỏ. Trong suốt quá trình nấu nước dùng, bạn phải thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong và thơm ngon hơn.

Khi nấu bún măng vịt, bạn nên dùng thêm gừng bởi gừng là nguyên liệu giúp khử bớt mùi tanh hôi của thịt vịt cũng như cân bằng vị nước dùng. Ngoài thịt vịt, bạn có thể dùng thêm xương heo hoặc chân gà để hầm cho nước dùng ngon hơn.

cach-nau-bun-vit-6
Cách chọn vịt và măng tươi ngon

Với cách nấu bún vịt với măng ở trên, hy vọng rằng bạn sẽ nấu được bún măng vịt để chiêu đãi cả gia đình trong những dịp rảnh rỗi. Đừng quên theo dõi danh mục Bếp nhà của Tiếp thị & Gia đình để biết thêm nhiều công thức nấu ăn khác nhé.

Cùng chuyên mục