Ca sĩ Hiền Hồ quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm Dr. Baumann
Trên kênh Tiktok cá nhân với hơn 1,9 triệu lượt theo dõi, nữ ca sĩ Hiền Hồ đã đăng tải video chia sẻ về các bước skincare trước khi ra ngoài chơi thể thao, nâng cao sức khỏe. Đáng chú ý, khi giới thiệu về sản phẩm, nữ ca sĩ sinh năm 1997 đã sử dụng những từ ngữ gây hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm, gây hoàng mang cho người tiêu dùng.
Trong video được ca sĩ Hiền Hồ đăng tải trên Tiktok vào ngày 12/7, nữ ca sĩ nhiều lần giới thiệu đến các sản phẩm chăm sóc da của thương hiệu Dr.Baumann. Nữ ca sĩ cho biết, hiện cô đang dùng sữa rửa mặt Cleansing Gel của nhà Dr.Bauman. Theo lời quảng cáo của giọng ca, “sữa rửa mặt này có cả công dụng tẩy trang, cấp ẩm”, “thành phần có chứa laticaxit giúp sáng sáng da hơn và loại bỏ lớp da chết, sạch sâu và loại bỏ dầu, rửa sạch nhưng không có cảm giác khô khin khít”.
Những lời có cánh cũng được cô sử dụng khi quảng cáo sản phẩm Facial Tonic Lotion. “Đây là sản phẩm có công dụng khác hẳn lotion thông thường, giúp bổ sung lợi khuẩn, giúp da dưỡng ẩm tốt hơn, đồng thời làm sáng da và se khít lỗ chân lông” - giọng ca sinh năm 1997 khẳng định.
Đáng chú ý, khi giới thiệu về sản phẩm Whitening Cream, cô khẳng định: "Đây là sản phẩm best seller trong việc điều trị và ngăn ngừa tình trạng nám tái phát".
Tuy nhiên khi đối chiếu với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo Số 2505/2023/XNQC-YTHCM được Sở Y tế TP HCM cấp 22/11/2023 cho Công ty TNHH Thương mại Dược Mỹ phẩm D&D, sản phẩm Whitening Cream chỉ có công dụng “sáng da, mờ nám”.
Ngày 11/9, trả lời Tiếp thị và Gia đình, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định, việc sử dụng các cụm từ “trị nám, tàn nhang, đồi mồi”, “trị nám”, “xóa nám”, “đánh bay nám” đối với sản phẩm Whitening Cream là không phù hợp tính năng, công dụng của sản phẩm.
Trao đổi với Tiếp thị & Gia đình, luật sư Nguyễn Thị Yến - Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định, việc sử dụng câu từ để quảng cáo tính năng sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Do đó, việc nữ ca sĩ Hiền Hồ sử dụng cụm từ "điều trị và ngăn ngừa tình trạng nám" để quảng cáo cho sản phẩm Whitening Cream của thương hiệu Dr. Baumann là hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm nói trên.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ Việt cũng từng dính lùm xùm liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Dù cho những người nổi tiếng này đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ nhưng điều đó cũng khó để lấy lại hết niềm tin trong lòng công chúng.
Cũng theo luật sư Yến, hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Trước khi nhận đơn đặt hàng quảng cáo, nghệ sĩ cần tìm hiểu kỹ về công dụng của sản phẩm, về luật quảng cáo trước khi thông tin đến khách hàng.
Theo tìm hiểu của PV, Dr.Baumann là một thương hiệu dược mỹ phẩm có xuất xứ từ Đức. Dr.Baumann được sáng lập bởi hai bác sĩ da liễu là Dược sĩ Thomas Baumann và Tiến sĩ y khoa da liễu Ernst W. Henrich vào năm 1990. Thương hiệu này đang được Công ty TNHH TM Dược Mỹ Phẩm D&D kết hợp với Công ty TNHH Thương mại Thế Giới Đẹp (The Beauty World) độc quyền phân phối tại Việt Nam.
Ngoài ca sĩ Hiền Hồ, các sản phẩm của thương hiệu Dr.Baumann cũng được nhiều sao Việt tích cực lăng xê, điển hình như ca sĩ Sơn Tùng MTP, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, vũ công Adam Lâm, cặp Tiktoker Ninh Anh Bùi - Tùng Dương, Tiktoker Ciin...
Hiện các video quảng cáo nói trên đều được đăng tải song song trên các Tiktok cá nhân và trên kênh Tiktok của thương hiệu Dr.BaumannVN (hơn 17,9 nghìn lượt theo dõi).
Liên quan đến hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng trên các nền tảng xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…), trao đổi với Tiếp thị & Gia đình, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết:
"Hiện nay, Luật Quảng cáo đã có những quy định rất chặt chẽ về hình thức, nội dung, điều kiện quảng cáo cũng như xác định rõ những hành vi, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. Hoạt động quảng cáo trên tất cả các phương tiện đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật.
Tuy nhiên, với sự phát triển của hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ siết chặt hơn về quyền, nghĩa vụ và hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (đặc biệt là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng) khi tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; việc phát hiện và xử lý vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay".
- Hot Tiktok 'Chuyện nhà Linh Bí' bị cộng đồng phẫn nộ vì quảng cáo sai sự thật sản phẩm dành cho trẻ em
- Dương Cẩm Lynh quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sữa non canxi
- Nhiều TikToker cố ý làm nội dung độc hại, nhận quảng cáo sai sự thật để trục lợi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 15/7: Gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 18 tháng, nhận lãi cao nhất bao nhiêu?
- Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm, đình chỉ cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm
- Mách bạn 60 công thức nấu các món chay siêu bổ dưỡng, ngon 'khó cưỡng'
- Đội ngũ marketing của Inside Out 2 đã kéo Gen Z ra rạp bằng cách nào?
- Doanh số sedan hạng B: Hyundai Accent bỏ xa đối thủ cùng phân khúc
- Gợi ý thực đơn eat clean tăng cơ giảm mỡ, đánh bay mỡ thừa, ai cũng mê