Thứ bảy, 15/07/2023, 11:23 (GMT+7)

Bắt số lượng lớn xe đạp điện kém chất lượng, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần biết những dấu hiệu này

Phương Thuận (Theo Gia đình & Xã hội)

Cơ quan chức năng gần đây liên tiếp bắt các vụ xe đạp điện kém chất lượng. Trước sức mua gia tăng thời điểm năm học mới chuẩn bị đến, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần biết những dấu hiệu này.

Sức mua xe đạp điện gia tăng

Mặc dù xuất hiện vài năm gần đây nhưng xe đạp điện lại là một phương tiện được ưa chuộng. Thậm chí, nhiều người còn từ bỏ thói quen đi xe máy để chuyển sang dùng xe đạp điện. Theo khảo sát của PV, thị trường xe đạp điện, xe máy điện thời điểm này bắt đầu nhộn nhịp. Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhu cầu mua các loại xe đạp điện, xe máy điện tăng khá cao. Nhiều cửa hàng, đại lý xe đạp điện, xe máy điện tại Hà Đông, lượng khách đặt mua các loại xe đạp điện, xe máy điện tăng so với những tháng bình thường.

Nhiều sản phẩm xe điện có mức giá dao động từ 5 – 13 triệu đồng/chiếc. Như dòng xe đạp điện Ninja của Nhật giá trung bình từ 9 - 11 triệu đồng/chiếc; xe điện M133 Sport giá 7,3 triệu đồng/chiếc, xe đạp điện Juno Yadea bán với giá 9,8 triệu đồng/chiếc…

xe-dien-16892338789671013623787
Nhu cầu mua xe điện vào thời điểm đầu năm học thường lớn

Theo chia sẻ của một chủ đại lý xe đạp, xe đạp điện trên đường Trần Phú (Hà Đông), loại xe đạp điện được người tiêu dùng chọn mua nhiều giá trung bình từ 8 – 12 triệu đồng. Để kích cầu người mua, cửa hàng cũng có áp dụng chương trình ưu đãi như giảm thêm từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/xe hoặc tặng cặp xách, áp mưa…

"Khi kết quả kỳ thi chuyển cấp của các bậc học phổ thông được công bố cũng là thời điểm sức mua xe đạp điện của người tiêu dùng tăng lên. Như năm ngoái trong 1 tháng cửa hàng bán được vài chục cái. Riêng năm nay, chỉ trong 1 tuần cửa hàng cũng bán ra được khoảng 5 -6 chiếc. Từ giờ tới khi vào năm học mới, sức mua dự kiến sẽ tăng hơn" – chủ cửa hàng chia sẻ.

Lựa chọn 1 chiếc xe đạp điện cho con, ông Nguyễn Tiến (Hà Nội) cho hay, vì bận công việc không thể đưa đón con suốt được nên gia đình quyết định mua chiếc xe đạp điện để con đi học THPT. Xe đạp điện hiện khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã nên việc lựa chọn cũng dễ dàng.

Cẩn trọng xe điện kém chất lượng

Thị trường xe đạp điện nhộn nhịp, sức mua gia tăng cùng với đó là nguy cơ hàng giả mà người tiêu dùng nên thận trọng. Gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp bắt các vụ xe đạp điện giả. Mới đây nhất, Quản lý thị trường số 5 tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với hộ kinh doanh xe đạp điện Đ.P ở chợ Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Thời điểm kiểm tra, 25 chiếc xe đạp điện không có bàn đạp, không có ắc quy, trên nhãn hàng hóa không ghi nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hóa được phát hiện. Đại diện hộ kinh doanh là ông N.Đ.P đã không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hoặc tài liệu kèm theo để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Toàn bộ số hàng hoá có dấu hiệu vi phạm đã được đoàn kiểm tra lập biên bản, tạm giữ để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam sau nhiều ngày theo dõi và trinh sát đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng bán xe đạp điện. Kết quả phát hiện nhiều xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm về kiểu dáng, không có tem kiểm định chất lượng bị phát hiện và tạm giữ. Chủ hàng chỉ xuất trình được hoá đơn của lô sản phẩm chứ không có hoá đơn của từng chiếc. Giá nhập của sản phẩm là 6 triệu đồng/chiếc, nhưng giá ghi trên hoá đơn chỉ là trên 2 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm đều có dấu hiệu vi phạm về kiểu dáng, tức bề ngoài giống phương tiện của các nhà sản xuất khác đã có đăng ký bản quyền nhưng không có các loại tem theo quy định.

luc-luong-chuc-nang-bat-giu-xe-dap-dien-16892334624231924914998
Quản lý thị trường số 5 tỉnh Hưng Yên kiểm tra, tạm giữ xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm. Ảnh QLTT

Theo kỹ sư cơ khí Nguyễn Đức Thắng, xe đạp điện nhái thường không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng về độ bền, tiêu chuẩn chắc của khung xe, nguy cơ chập điện cũng rất dễ xảy ra gây mất an toàn. Người tiêu dùng phải chịu những rủi ro nếu chót mua phải hàng xe đạp điện kém chất lượng là điều khó tránh khỏi. Mặc dù giá mua ban đầu có thể rẻ hơn một nửa so với hàng chính hãng, nhưng việc thường xuyên gặp phải những sự cố gây mất an toàn trong quá trình dùng khiến những chiếc xe đạp điện kém chất lượng tưởng giá rẻ lại hoá ra đắt. Trên thực tế đã có rất nhiều sự việc đau lòng xe đạp điện phát nổ vì hàng kém chất lượng xảy ra.

Để tránh mua hàng nhái kém chất lượng, cơ quan Quản lý thị trường khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm có đầy đủ phiếu tiêu chuẩn chất lượng, có đầy đủ thông tin về tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật... có đóng dấu của nhà sản xuất.

Về việc nhận diện hàng xe đạp điện kém chất lượng, khuyến cáo của chuyên gia với người tiêu dùng cần thận trọng những điều này: Không tem xuất xứ hàng hoá, không tem kiểm định chất lượng; mối hàn thô nhiều khuyết tật; lớp sơn không nhẵn và dễ bị bong tróc; pin không có khoá nguồn; không có tem chính hãng; kích thước thường to, thô, cồng kềnh; đồng hồ của xe gia công kém, các gờ mép không khép tín tạo nhiều khe hở dễ bị ngấm nước vào bên trong.

Cùng chuyên mục