Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 26/08/2024, 06:00 (GMT+7)

Bảo Tín, Bảo Minh và hàng trăm 'ông lớn' kinh doanh vàng tại Hà Nội vào tầm ngắm tổng kiểm tra

Danh sách 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ bị kiểm tra tại Hà Nội lần lượt “gọi tên” hàng loạt các ông lớn như: Vàng bạc đá quý Bảo Minh, Vàng bạc Bảo Tín, Vàng bạc Trọng Tín…

Doanh nghiệp kinh doanh vàng nào ở Hà Nội vào diện kiểm tra?

Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, đơn vị vừa ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024.

Theo đó, đợt kiểm tra trên địa bàn TP Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến hết ngày 15/10/2024 với 116 doanh nghiệp, bao gồm: Các doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh, mua bán, sửa chữa vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn thành phố là đối tượng kiểm tra trong đợt này.

Đáng chú ý, đợt kiểm tra lần này “gọi tên” nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có hơn 20 doanh nghiệp vàng tại Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đơn cử như: Công ty TNHH vàng bạc Toàn Thắng, Công ty TNHH Kinh doanh vàng bạc Quang Đạt, Công ty TNHH Kim Linh, Công ty TNHH vàng bạc Lương Thanh, Công ty TNHH Kinh doanh vàng bạc Văn Ngân, Công ty TNHH vàng bạc Kết Nhung, Công ty TNHH vàng bạc Kim Đức, Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Quang Duy, cửa hàng Kim Long – Công ty TNHH vàng bạc Chính Long…

Tương tự, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong đợt kiểm tra lần này là: Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Minh, Công ty TNHH Vàng bạc Bảo Tín, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Huy Thành, Công ty TNHH Vàng bạc Bảo Tín Minh Xuân; Công ty Vàng bạc Trọng Tín, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Hưng Thịnh, Công ty TNHH thương mại vàng Kim Hưng, Doanh nghiệp tư nhân vàng Bảo Tín Hồng Quân, Công ty TNHH PNJ Phúc Long, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Tài, Công ty CP Vàng bạc đá quý Đại Tín Nghĩa, Công ty TNHH Bảo Tín Thiên Thành…

trang-suc
Danh sách 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ bị kiểm tra tại Hà Nội lần lượt “gọi tên” hàng loạt các ông lớn như: Vàng bạc đá quý Bảo Minh, Vàng bạc Bảo Tín, Vàng bạc Trọng Tín… Ảnh minh họa.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đợt kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh vàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá... góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường vàng.

Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào các khía cạnh gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, ứng dụng số trong kinh doanh vàng.

Mặt khác, lực lượng kiểm tra cũng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, đồng thời kiểm tra các quy định khác có liên quan nếu cần thiết. Hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện bởi các đoàn kiểm tra của các đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, với sự phối hợp của các lực lượng chức năng như Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Công an TP Hà Nội...

Trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định thế nào?

Theo quy định của pháp luật, hiện nay việc kinh doanh vàng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước. Trong đó văn bản quy định về kinh doanh vàng hiện nay là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.

Cùng đó, có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ. Bảo đảm duy trì các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Riêng đối với hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ quy định, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau (được quy định tại Điều 8 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP): Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Trong khi đó, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định tại Điều 9 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP bao gồm: Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cũng quy định, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Những hành vi nào là vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng?

Theo Điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm: Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Tiếp đó là, mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trong một diễn biến khác, trước đó, chiều 4/4/2024, Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 điểm kinh doanh vàng, bạc trên địa bàn TP Hà Nội. Việc kiểm tra nhằm triển khai chỉ đạo tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, 3 điểm kinh doanh vàng, bạc nằm trên địa bàn TP Hà Nội bị lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất trong chiều ngày 4/4, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Phúc Thành Hà Nội (số 276 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội); Công ty TNHH Vàng Bảo Tín Lan Vỹ (số 84A Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội); Công ty TNHH Vàng bạc Chiến Minh (số 119 Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội).

Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, niêm yết giá, về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử… Đơn cử như tại cửa hàng kinh doanh vàng bạc, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Phúc Thành Hà Nội, số 276 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội phát hiện một số sản phẩm trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu Chanel...

Cùng chuyên mục