Làm sao để ngừng chi tiêu quá đà? 8 mẹo đơn giản giúp bạn kiểm soát ví tiền hiệu quả
Bằng cách áp dụng những mẹo chi tiêu này, bạn sẽ dần hình thành thói quen mua sắm lành mạnh, bền vững và đúng với giá trị mà mình theo đuổi.
Lập ngân sách không khó: 7 mẹo thực tế giúp người Việt ‘trị’ thói chi tiêu cảm tính
Tiết kiệm trong thời kỳ khủng hoảng: 6 nguyên tắc sống còn giúp bạn không 'cháy túi'
Marketing thương mại điện tử: 'Vũ khí' giúp doanh nghiệp thống lĩnh cuộc đua số
Trong thời đại số, việc “vung tiền” quá tay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần vài cú chạm trên điện thoại, bạn đã có thể đặt mua bất cứ thứ gì từ đồ ăn, quần áo, đến những món đồ mà bạn thậm chí không hề cần đến.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy tiêu tiền không kiểm soát? Dưới đây là 8 mẹo chi tiêu thực tế, dễ áp dụng giúp bạn giữ vững tài chính mà không phải sống quá kham khổ.
Mua sắm thực phẩm có kế hoạch
Thay vì ra siêu thị mà không biết mình cần gì, hãy viết sẵn danh sách những món cần mua và tuân thủ danh sách đó. Cách đơn giản này giúp bạn tránh việc vung tiền vào những món hàng không cần thiết chỉ vì “trông có vẻ hấp dẫn”.
Ngoài ra, việc mua nguyên liệu để nấu ăn ở nhà vẫn luôn tiết kiệm hơn nhiều so với ăn ngoài hay gọi đồ giao tận nơi.
Cải thiện kỹ năng nấu nướng
Không cần phải trở thành đầu bếp 5 sao, bạn chỉ cần biết vài công thức đơn giản, dễ làm là đủ để có những bữa ăn ngon, lành mạnh và tiết kiệm. Chỉ với một chiếc smartphone, bạn có thể học nấu ăn qua YouTube, TikTok hoặc các trang dạy nấu miễn phí khác...
Việc tự nấu nướng tại nhà giúp bạn kiểm soát khẩu phần, dinh dưỡng và chi tiêu tốt hơn.
Đừng từ bỏ nhà hàng hoàn toàn
Tiết kiệm không có nghĩa là cắt bỏ hoàn toàn những niềm vui nhỏ như ăn ngoài. Thay vì đặt đồ ăn 3 lần/tuần như trước, hãy tự thưởng cho mình một bữa ăn ngoài vào cuối tuần hoặc 2 lần/tháng. Khi biến việc ăn hàng thành một dịp đặc biệt, bạn sẽ trân trọng nó hơn và ví tiền cũng biết ơn bạn hơn.
Mua sắm trực tuyến có mục đích
Thay vì lướt Shopee, Lazada hay Amazon mỗi khi rảnh, hãy chỉ truy cập khi bạn biết rõ mình cần gì. Nếu cứ “xem thử cho vui”, bạn rất dễ mua sắm bốc đồng. Đừng để các chương trình khuyến mãi như “flash sale”, “mua 1 tặng 1”... đánh lừa bạn bởi thứ bạn không cần, dù giảm 70%, vẫn là lãng phí.

Mua sắm trực tuyến có mục đích thay vì mua vì được giảm giá (Ảnh: Sưu tầm)
Tìm giải pháp thay thế sáng tạo
Trước khi mua một món đồ mới, hãy tự hỏi: "Mình có thể dùng thứ gì có sẵn để thay thế không?" Một chiếc khăn cũ có thể ứng dụng thành tấm thảm lau chân, hay một số món phụ kiện nhỏ trong nhà có thể làm đồ chơi tạm thời cho con trẻ...
Những giải pháp đơn giản, sáng tạo không chỉ tiết kiệm mà còn giúp bạn phát triển tư duy “dùng những gì mình có”.
Dọn dẹp nguồn cấp mạng xã hội
Mạng xã hội tràn ngập quảng cáo nhắm mục tiêu khiến bạn mua sắm nhiều hơn mà không nhận ra. Hãy bắt đầu bằng việc ẩn những quảng cáo không liên quan hoặc quá cám dỗ. Trên Facebook hay Instagram, bạn có thể chọn "ẩn quảng cáo" và dần dần làm sạch newsfeed của mình.
Ngoài ra, hạn chế thời gian lướt mạng xã hội cũng là cách hiệu quả để giảm bớt cảm xúc tiêu cực và hành vi mua sắm bốc đồng.
Thiết lập ngân sách đơn giản
Nghe đến từ “ngân sách”, nhiều người sẽ ngán ngẩm. Nhưng thực ra, bạn chỉ cần nắm được ba con số: thu nhập hàng tháng, chi phí cố định (tiền nhà, điện nước, học phí...) và khoản tiết kiệm. Số tiền còn lại là phần bạn có thể sử dụng cho các chi tiêu linh hoạt.
Hãy thử áp dụng quy tắc 50/30/20: 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn cá nhân, 20% cho tiết kiệm. Đây là một khởi đầu lý tưởng nếu bạn chưa từng làm ngân sách trước đây.
Tìm ra “lý do lớn hơn” để tiết kiệm
Cuối cùng, điều quan trọng nhất để duy trì kỷ luật tài chính chính là động lực cá nhân. Bạn đang tiết kiệm vì muốn đi du lịch, mua nhà hay để có cuộc sống nghỉ hưu thoải mái? Khi có một mục tiêu đủ hấp dẫn, bạn sẽ thấy việc nói "không" với một đơn hàng online trở nên dễ dàng hơn nhiều.