7 chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số ấn tượng nhất mọi thời đại
Quảng cáo kỹ thuật số là một phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị tổng thể của hầu hết mọi doanh nghiệp hiện nay. Hãy cùng tham khảo và học cách những thương hiệu lớn thực hiện các chiến dịch sáng tạo ngay dưới đây!
“The No Show Room” - Volkswagen’s
Volkswagen - một trong những thế lực tiên phong trong ngành ô tô đã quyết định thay đổi mọi thứ bằng chiến dịch tiếp thị sáng tạo: “The No Show Room” (tạm dịch: Không phòng trưng bày).
Trong chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số này, thương hiệu hợp tác cùng đội trượt tuyết Thụy Điển để tạo ra một cuộc săn lùng trực tiếp. Volkswagen đã “giấu” một trong những chiếc Passat Alltracks của họ sâu trong vùng băng giá phía bắc Thụy Điển và người đầu tiên tìm thấy sẽ được giữ nó.
Loại bỏ nhu cầu về phòng trưng bày thực tế, Volkswagen đã đưa ra các trải nghiệm mua xe trực tuyến hoàn toàn bằng kỹ thuật số với phòng trưng bày ảo (có đầy đủ thông số, hình ảnh thiết kế…), cấu hình và tùy chỉnh trực tuyến (tùy chỉnh màu sắc, chất liệu nội thất, phụ kiện…). Đặc biệt, hãng cũng cung cấp tính năng lái thử ảo với video hành trình sống động và lời bình luận của chuyên gia nêu bật khả năng vận hành, cảm giác lái xe…
“Like a Girl” - Always
Chăm sóc vệ sinh nữ giới là một ngành hàng có mức độ quan tâm cao nhưng sự khác biệt giữa các thương hiệu lại khá thấp. Và hầu hết, người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm dựa trên giá cả và số lượng hàng hóa. Hiểu được điều này, Always đã khai thác khía cạnh về “sự tự tin” để định vị thương hiệu của mình.
Sự tự tin của các cô gái sẽ dễ bị rớt thảm hại khi bước vào tuổi dậy thì. Tiếp thêm sức mạnh cho họ trong giai đoạn này chính là sứ mệnh to lớn mà Always đặt ra cho mình. Phải chiến đấu với thứ “giết chết sự tự tin của phái nữ”, đó là sự chế nhạo thầm kín xung quanh câu nói “Như con gái (Like a girl)”.
Sản phẩm quảng cáo kỹ thuật số của Always như thách thức lối nghĩ cổ hủ của câu nói này và định nghĩa nó theo một cách tích cực, truyền cảm hứng cho phái đẹp để họ tự dành lấy sự tự tin cho chính mình.
“The Scarecrow” - Chipotle
Giữa bối cảnh thị trường ngành đồ ăn nhanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, Chipotle Mexican Grill đã chọn cho mình một hướng đi riêng với khao khát tạo ra sự khác biệt và biến nó thành xu hướng mới trong nhận thức của người tiêu dùng.
Chiến dịch quảng cáo “The Scarecrow” được Chipotle Mexican Grill triển khai dựa trên lời cam kết về thực phẩm sạch cùng sứ mệnh thay đổi thói quen ăn uống và suy nghĩ của người tiêu dùng về thức ăn nhanh.
Một đoạn quảng cáo hoạt hình đã tái hiện lại cảnh trang trại chăn nuôi công nghiệp với dây chuyền “bơm chất kích thích”. Đứng trước thực trạng ấy, chú bù nhìn đã kịp nhận ra và tự mình đứng lên chống lại hệ thống chăn nuôi công nghiệp ấy.
Hình ảnh chú bù nhìn tự tay chăm bón nông sản, chế biến các món ăn từ nguyên liệu tươi sạch, thơm ngon để mang đến cho khách hàng chính là điều mà Chipotle hướng đến.
“Stratos” - Red Bull
Một chiến dịch truyền thông “điên rồ” trong lịch sử của Red Bull mà chúng ta dễ nghĩ ngay đến chính là “Stratos”. Năm 2012, Red Bull đã tài trợ cho Felix Baumgartner - một vận động viên người Áo thực hiện cú nhảy lịch sử từ độ cao hơn 39km đầy ngoạn mục.
Vào ngày người vận động viên tham gia thử thách, Red Bull đã phát sóng trực tiếp toàn bộ quá trình lên YouTube và nhiều kênh truyền hình tại khoảng 50 quốc gia. Sau đó, cuộc tiếp đất thành công đã được chứng kiến trực tiếp bởi hàng triệu người trên thế giới.
“Stratos” được đánh giá là một dự án đầy tham vọng của Red Bull. Chiến dịch đã tạo được tiếng vang lớn và sự chú ý của giới truyền thông, với 8 triệu người xem trực tiếp và hơn 50 triệu lượt xem trong 48 giờ đầu tiên.
“Share a Coke” - Coca-Cola
Trước kỷ nguyên công nghệ số, những bữa tiệc, cuộc gặp gỡ bên ngoài dần nhường chỗ cho việc giao tiếp và kết bạn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đây chính là lý do để Coca-Cola tạo nên chiến dịch “Share a Coke”.
“Share a Coke” là một chiến dịch đơn giản nhưng hiệu quả của Coca-Cola. Thương hiệu này đã thay thế logo của mình trên vỏ chai bằng những dòng tên riêng phổ biến để khuyến khích người tiêu dùng tìm mua sản phẩm có tên của họ. Bằng cách nâng cao tính cá nhân, Coca-Cola đã dễ dàng chạm vào cảm xúc và tạo nên những giây phút vui vẻ cho người dùng.
Chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số của Coca-Cola đã nhanh chóng mở rộng tại hơn 80 quốc gia và góp phần bùng nổ doanh số cho thương hiệu. Đây là một ví dụ minh chứng cho việc chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể tác động lớn đến sản phẩm và thương hiệu.
“What The Football” - Nike
Để chào mừng Giải vô địch Bóng đá nữ Thế giới lần thứ 9, “What The Football” của Nike đã ra mắt một loạt quảng cáo có sự tham gia của các cầu thủ như Alex Morgan, Megan Rapinoe, Debinha, Sam Kerr…
“What The Football” mở đầu với cảnh cô con gái và người cha của mình đang nắm chặt mép ghế trong khi xem quả đá phạt đền mang tính biểu tượng của Brandi Chastain năm 1999. Khi bóng chạm lưới và ghi bàn, người cha đã gặp phải một tai nạn là đi tới tương lai của 24 năm sau rồi bắt đầu hợp tác với những cầu thủ nữ ưu tú.
Lý do tại sao Nike chọn cách tiếp cận này? Thông qua chiến dịch quảng cáo đó, thương hiệu hướng đến tôn vinh các cầu thủ bóng đá nữ trên khắp thế giới, những người đang thay đổi môn thể thao này và truyền cảm hứng mạnh mẽ thông qua sức mạnh của thể thao.
Chưa dừng lại ở đó, Nike còn nỗ lực định vị mình là công ty dẫn đầu ngành trong việc đầu tư vào các vận động viên nữ cùng với những cam kết về việc xây dựng thể thao nữ ngày càng phát triển hơn.
“You're not you when you're hungry” - Snickers
Quảng cáo “You're not you when you're hungry” (tạm dịch: “Bạn không còn là bạn khi đói”) xoay quanh câu chuyện giải quyết sự cáu kỉnh, khó chịu khi đói của con người. Bằng cách sử dụng hình ảnh cường điệu đầy hài hước, Snickers đề cử thanh socola của mình là giải pháp cho vấn đề phổ biến này.
Thông điệp mà chiến dịch thể hiện cũng rất rõ ràng: “Khi đói, bạn có thể không còn là chính mình. Nhưng một thanh Snickers có thể nhanh chóng làm bạn thỏa mãn và về trạng thái bình thường”.
Sự thông minh của Snickers chính là tận dụng một tình huống mà hầu như ai cũng từng gặp phải. Lúc này, giá trị sản phẩm mà thương hiệu mang đến được lột tả theo cách đầy mạnh mẽ và hiệu quả. Đồng thời, cách tiếp cận hài hước và mang tính giải trí này gây được tiếng vang cũng như gắn kết bền chặt cảm xúc của người tiêu dùng đối với thương hiệu.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
- Nghệ sĩ và trách nhiệm cộng đồng khi lên sóng quảng cáo
- 'Hãy tin vào thịt gà' - thông điệp 'độc lạ' mới trong chiến dịch quảng cáo của KFC
- Hơn 615 triệu ‘gu âm nhạc’ cá tính được tái hiện với chiến dịch My Spotify
- Nghệ sĩ và trách nhiệm cộng đồng khi lên sóng quảng cáo
- Maria Ozawa livestream quảng cáo cá độ trá hình trên TikTok Việt Nam
- 'Hãy tin vào thịt gà' - thông điệp 'độc lạ' mới trong chiến dịch quảng cáo của KFC
- 10 chiến lược quảng cáo TikTok đột phá, bùng nổ đơn hàng
- YouTube tung chiêu 'làm khó' các tiện ích chặn quảng cáo
- Xuất hiện ‘ma trận’ quảng cáo trại hè, phụ huynh cẩn trọng mắc bẫy