Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 09/09/2023, 08:05 (GMT+7)

3 lưu ý khi làm thủ tục vay lãi suất thấp ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác

Hiện một số "ông lớn" ngành ngân hàng đã công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.

Ngân hàng đua nhau cho khách cá nhân vay trả nợ ngân hàng khác

Từ 1/9, hoạt động vay vốn ngân hàng được điều chỉnh theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nhiều quy định mới. Trong đó, NHNN đã bổ sung quy định ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Trước đây, tại Thông 39/2016/TT-NHNN, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khách áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tác động này rất lớn ở góc độ người đi vay, cho phép họ có thể lựa chọn tổ chức tín dụng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn.

Ngay sau khi chính sách này có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã “tung” ra gói tín dụng này. Sớm nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. 

nh chụp màn hình 2023-09-08 153943
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6,9%/năm

Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Tiếp đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai chính sách cho vay vốn để trả nợ ngân hàng khác lãi suất chỉ 6%/năm. Mức lãi suất này áp dụng với khoản vay ngắn hạn (không quá 12 tháng).

Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay của BIDV chỉ từ 6,8%/năm. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác. Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.

Làm thủ tục vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, khách cần lưu ý gì?

Trên thực tế, để khách hàng được vay trong chính sách này là điều không dễ vì các quy định ngân hàng đưa ra chặt chẽ. Một trong những điểm quan trọng nhất để khách hàng có cơ hội chuyển nợ là việc được phê duyệt vay từ phía ngân hàng mới và đương nhiên phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn cho vay cơ bản gồm khả năng trả nợ và tài sản thế chấp (mục đích vay giữ nguyên mục đích từ TCTD khác). Do đó, khách hàng vay thực sự phải là khách hàng có điểm tín dụng tốt với lịch sử trả nợ đúng hạn, có nguồn thu nhập đủ thực hiện các nghĩa vụ nợ và tài sản bảo đảm tốt chứ không phải ai cũng sẽ đủ tiêu chuẩn.

Thứ hai, khách hàng cần lưu ý chuyển nợ không đồng nghĩa với kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Bởi hầu hết các ngân hàng đang triển khai chính sách này đều ưu đãi mức cho vay để trả nợ trước hạn lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác và khách hàng được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng nhưng không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Điều này có nghĩa là với những khách sắp đến hạn trả nợ ở ngân hàng cũ, dù có thêm thời gian vay ngân hàng khác để trả, thì thời gian cũng rất ngắn. 

nh chụp màn hình 2023
Ảnh minh họa

Tiếp theo, đối với khách có thời hạn trả nợ ngân hàng còn dài, muốn vay đơn vị khác với lãi suất thấp sẽ lo phải trả phí phạt trả nợ trước hạn. Phí phạt trả nợ trước hạn (từ 1% đến 4% giá trị khoản vay), phí thẩm định tài sản, phí công chứng tài sản, phí đăng ký thế chấp tài sản,... là một số chi phí thường gặp khi người vay muốn thực hiện chuyển nợ. Tại một số ngân hàng, mức phí phạt trả nợ trước hạn là khá cao khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác lại cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian.

Mặt khác, để hạn chế rủi ro trong giao dịch, ngân hàng cho vay mới luôn mong muốn khách hàng có tài sản thế chấp khác để đảm bảo cho phần giải ngân trả nợ cho ngân hàng khác. Đây cũng là vấn đề khá rắc rối tại các khoản vay "tái tài trợ". Do đó, các chuyên khuyến cáo người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay để trả nợ ngân hàng khác trước hạn để tránh thiệt thòi.

Cùng chuyên mục