Thứ tư, 31/01/2024, 15:44 (GMT+7)

Xuất nhập khẩu tích cực những ngày đầu năm

Nhật Linh (Theo An ninh Thủ đô)

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những ngày đầu năm tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2024 (từ ngày 01/01 đến ngày 15/01/2024) đạt 29,79 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% (tương ứng giảm 189 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2023.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, xuất nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 1/2024 đã tăng 4,3% tương ứng tăng 1,24 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 3,3%, tương ứng tăng 488 triệu USD; nhập khẩu tăng 5,4%, tương ứng tăng 752 triệu USD.

Trong 15 ngày đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 20,49 tỷ USD, tăng 0,9% (tương ứng tăng 174 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023; trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 9,3 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 1,05 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 384 triệu USD trong 15 ngày đầu năm.

Xuất nhập khẩu hàng hóa những ngày đầu năm tăng so với cùng kỳ
Xuất nhập khẩu hàng hóa những ngày đầu năm tăng so với cùng kỳ

Cụ thể hơn, về xuất khẩu: Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ đạt gần 15,09 tỷ USD, giảm 7,5% (tương ứng giảm 1,23 tỷ USD về số tuyệt đối) so với 15 ngày liền trước.

Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 923 triệu USD, tương ứng giảm 29,1%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác giảm 330 triệu USD, tương ứng giảm 16,8%; hàng dệt may giảm 261 triệu USD, tương ứng giảm 16,8%...

Về nhập khẩu: Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 1,04 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2023.

Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 508 triệu USD, tương ứng tăng 13,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 112 triệu USD, tương ứng tăng 32,1%; sắt thép các loại tăng 104 triệu USD, tương ứng tăng 24,8%...

Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng UOB, dù nhu cầu bên ngoài phục hồi vào cuối năm, song xuất khẩu vẫn ghi nhận mức giảm cả năm là 4,3% và nhập khẩu giảm 9,1%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009 khi thế giới bị cuốn vào hậu quả của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Điểm tích cực là Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư thương mại năm thứ 8 liên tiếp với mức cao kỷ lục là 28 tỷ USD.

Tất cả các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ngoại trừ “máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện”, đều giảm trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của phân khúc điện thoại di động giảm gần 8% vào năm 2023 trong khi xuất khẩu dệt may, giày dép, cùng nhiều mặt hàng khác, giảm hai con số trong năm.

Bất chấp sự sụt giảm, xuất khẩu sang các thị trường lớn vẫn tiếp tục tăng trong năm 2023, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 97 tỷ USD trong năm, với thị phần 27,4%. Tiếp theo là Trung Quốc 60,7 tỷ USD, thị phần 17% và Hàn Quốc 23,4 tỷ USD...

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng xuất khẩu thêm 6%, với thặng dư thương mại dự kiến sẽ kéo dài năm thứ 9 liên tiếp.

Năm nay, dự kiến thương mại toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng bởi xung đột quanh khu vực Biển Đỏ – chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm.

Cùng chuyên mục