Xử phạt 9 cơ sở kinh doanh xe điện vi phạm về nhãn hàng hóa
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa phát hiện 9 cơ sở kinh doanh xe điện có hàng hóa không có dấu hợp quy và vi phạm về nhãn hàng hóa.
Theo Cổng thông tin điện tử Cục quản lý thị trường (QLTT) Vĩnh Long, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh xe điện trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra phát hiện 9 cơ sở kinh doanh xe điện vi phạm, với các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có dấu hợp quy và hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.
Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính số tiền 5,25 triệu đồng và trình Cục trưởng ban hành Quyết định xử phạt hành chính số tiền 50,25 triệu đồng.
Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các cơ sở thu hồi hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông, trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 309 triệu đồng. Đến nay các cơ sở vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều quy định đối với xe sản xuất, lắp ráp, tem hợp quy phải được dán cho từng xe xuất xưởng, tại vị trí trên khung, phía bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý chất lượng có thể tiến hành kiểm tra, giám sát việc dán tem hợp quy cho các xe xuất xưởng.
Đối với xe nhập khẩu cần phải căn cứ vào Giấy chứng nhận đã cấp cho lô xe nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu nhận tem hợp quy. Tem hợp quy phải được dán cho từng xe tại vị trí trên khung, phía bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy. Cơ quan quản lý chất lượng thực hiện kiểm tra, giám sát việc dán tem hợp quy cho các xe trong lô.
Cũng trong tháng 7, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp V.T.H.M (huyện Vũng Liêm). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 19 bao phân bón NP 20-20 trị giá 14,25 triệu đồng trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Chủ hộ kinh doanh cũng không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; Đoàn kiểm tra tiến hành lấy một mẫu phân bón DAP gởi thử nghiệm chất lượng, lô hàng có số lượng 20 bao (loại 50 kg/bao) trị giá 16,6 triệu đồng.
Căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ đối chiếu với quy định của Chín phủ thì đây là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (do hàm lượng lân hữu hiệu chỉ đạt 1,39%). Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 lập biên bản vi phạm hành chính, trình Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm ban hành Quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Ngày 5/8, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh V.T.H.M với tổng số tiền phạt là 77 triệu đồng với các hành vi vi phạm: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
- Tràn lan mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm giả lưu thông trên thị trường, Hà Nội 'siết' xử lý nghiêm
- Rủi ro từ thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc
- Cục QLTT TPHCM tịch thu hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc