Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 23/10/2024, 13:57 (GMT+7)

Xử lý loạt cơ sở kinh doanh thực phẩm có chất lượng không đúng như quảng cáo

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang vừa xử phạt loạt cơ sở có hành vi kinh doanh thực phẩm có chất lượng không đúng như chỉ tiêu đã công bố.

Theo Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang, Đội QLTT số 4 phối hợp Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây tiến hành kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đối với 22 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Gò Công Tây.

Đoàn kiểm tra có lấy 4 mẫu thực phẩm bổ sung gửi thử nghiệm chất lượng. Qua phân tích, đánh giá thì có 3 mẫu không đạt. Cụ thể, 1 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (chỉ tiêu đạm chỉ đạt 41%, Vitamin B12 chỉ đạt 63%, Vitamin D3 chỉ đạt gần ,1% so với chỉ tiêu tự công bố); 2 mẫu có chỉ tiêu chất lượng không phù hợp với chỉ tiêu đã công bố. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 10 triệu đồng.

z5959055235869_79f6135e15
Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng.

Đội QLTT số 4 lập Biên bản vi phạm hành chính, chuyển 1 vụ việc buôn bán thực phẩm giả cho Cơ quan Công an huyện Gò Công Tây để tiếp tục điều tra, xử lý do có dấu hiệu tội phạm.

Còn lại 1 vụ việc buôn bán sản phẩm thực phẩm không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố. Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm với số tiền gần 6 triệu đồng.

Thông qua hoạt động kiểm tra, Đội QLTT số 4 đã tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan; không buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Trong 10 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 143 vụ, phát hiện 132 vụ vi phạm, đã xử lý 126 vụ, thu phạt gần 1,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,1 tỷ đồng, buộc tiêu hủy gần 1.400 đơn vị sản phẩm (mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, nước giải khác,..), với tổng giá trị trên 500 triệu đồng; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường trên 2.000 đơn vị sản phẩm (vàng trang sức, quần áo may sẵn, phân bón).

Hành vi vi phạm chủ yếu như không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; buôn bán thuốc lá điện tử, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vàng trang sức, xe môtô hai bánh vi phạm nhãn...

Thông qua hoạt động kiểm tra, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các cơ sở nâng cao nhận thức, chấp hành đúng các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử; góp phần hạn chế, ngăn chặn các trường hợp vi phạm.

Cùng chuyên mục