Quốc hội quyết định cấm một sản phẩm phổ biến tại Việt Nam từ 2025
Từ năm 2025, Việt Nam sẽ cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Chiều 30/11, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện quy định này, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều 11/11, vấn đề thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã trở thành tâm điểm được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Các đại biểu Quốc hội nhất trí rằng việc bổ sung quy định cấm và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán trái phép là cần thiết.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh quan điểm cần cấm thuốc lá điện tử do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm tuổi 15-24. Kết quả điều tra tại 34 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ người sử dụng đã tăng gấp 18 lần so với trước đây lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15-24 tuổi.
Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến tim, gan, phổi và có thể gây loạn thần. Năm 2023, có 1.234 người phải điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử. "Trong bối cảnh khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, giờ lại thêm thuốc lá điện tử nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân", bà Lan nói.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính khiến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn tràn lan trên thị trường là do chưa có quy định pháp luật về việc kinh doanh các sản phẩm này. Mặc dù vậy, để thu lợi nhuận, nhiều công ty đã lợi dụng các hình thức tiếp thị tinh vi và sản phẩm có thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Bộ trưởng Y tế đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử. Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới.
Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện
- Thuốc lá 'thế hệ mới' tổn hại tới giới trẻ như thế nào?
- Số trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử tăng hơn gấp đôi
- Hiểm họa ma túy 'núp bóng' thực phẩm, thuốc lá điện tử nhắm đến giới trẻ
- Trẻ em vùng cao sẽ có thêm cơ hội tiếp cận tri thức thông qua những đầu sách thú vị và hữu ích
- Sử dụng củ ấu tàu sao cho không bị ngộ độc?
- Gợi ý món ngon cho mâm cỗ chay Tết miền Bắc thêm độc đáo, đậm hương sắc Hà thành tinh tế
- Cá ngon và bổ dưỡng nhưng có 4 thời điểm tuyệt đối không nên ăn kẻo gây hại cho sức khỏe
- Học ngay cách chế biến các món eat clean với trứng siêu ngon, đơn giản, ăn là mê
- Xào rau su su theo cách này, rau xanh mướt, giòn sần sật, ngon như nhà hàng, ăn là nghiền