Vì sao mắc cúm mùa có thể tử vong?
Thông tin nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 49 tại Nhật Bản vì bệnh cúm và biến chứng viêm phổi khiến nhiều người bàng hoàng. Đáng nói, căn bệnh cúm mùa, viêm phổi khiến Từ Hy Viên tử vong là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam.
Sáng 3/2, truyền thông Đài Loan đưa tin Từ Hy Viên qua đời trong chuyến du lịch Nhật Bản cùng gia đình. Trưa cùng ngày, người đại diện của cô đã xác nhận thông tin này. Em gái của Từ Hy Viên cho biết nữ diễn viên qua đời do mắc bệnh cúm và viêm phổi. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng, với nhiều lời chia buồn cho sự ra đi của một diễn viên tài năng.
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM, cho hay trường hợp mắc cúm dẫn tới viêm phổi có tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, nguy cơ tăng cao ở những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền… Bệnh nhân gặp biến chứng viêm phổi do cúm nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Triệu chứng của bệnh cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, với các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Tuy nhiên, cảm lạnh thường phát triển chậm, trong khi cúm có xu hướng xuất hiện đột ngột. Người mắc cúm do virus thường có các triệu chứng điển hình của bệnh như sốt trên 38 độ C; Đau cơ bắp; Rét gai người; Đau đầu; Ho khan; Mệt mỏi; Nghẹt mũi; Viêm họng.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và sẽ hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, bệnh thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ gặp biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Khanh cho biết viêm phổi do cúm gây ra những triệu chứng như khó thở, thở hổn hển, sốt cao trên 5 ngày không hạ. Đối với các trường hợp này, người bệnh cần đi viện sớm để được can thiệp y tế.
Phòng ngừa cúm bằng cách nào?Nguyên nhân của bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến thể với các chủng mới. Bệnh cúm có thể lây lan nhanh và tạo thành dịch.
Bệnh cúm thường lây lan qua đường hô hấp, trong không khí và khi tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng có chứa virus cúm khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh, phòng cúm mùa.
- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.