Uống rượu bia trước và trong giờ làm có thể bị phạt hơn cả tháng lương
Người lao động không được được phép uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, theo quy định tại Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019.
Uống rượu bia trong giờ làm việc có thể bị phạt tiền
Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật, uống rượu bia trước và trong giờ làm là hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Tại Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định, người lao động trong các cơ quan, tổ chức không được uống rượu bia ngay trước giờ làm việc.
Đối với những cá nhân vi phạm, tại Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định các mức phạt đối với hành vi uống rượu bia như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia: Bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng.
- Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia: Vi phạm một trong những điều này sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
- Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia: Phạt tiền 1 - 3 triệu đồng đối với người vi phạm một trong các hành vi trên.
Tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức. Theo đó, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Do đó, người lao động trong cơ quan tổ chức cần chú ý rằng nếu sử dụng rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc thì có thể bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và phạt gấp 2 lần mức đã nêu trên đối với tổ chức có hành vi vi phạm, tức từ 2 - 6 triệu đồng.
9 địa điểm không được uống rượu bia
Các địa điểm không được uống rượu bia được quy định tại Điều 10 của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia năm 2019. Cụ thể là những địa điểm sau:
- Cơ sở y tế;
- Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc;
- Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi;
- Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác;
- Cơ sở bảo trợ xã hội;
- Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Ngoài ra, tại Điều 3 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ cũng quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Theo đó, có thêm 3 địa điểm công cộng không được uống rượu bia gồm:
- Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày 24/2/2020;
- Nhà chờ xe buýt;
- Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.
- Tùy ý bật đèn, bật còi xe sẽ bị phạt, người lái xe cập nhật ngay quy định này kẻo mất tiền
- Đề xuất vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu sẽ phạt 400.000 đồng
- Tại sao cần tuyệt đối cấm nồng độ cồn đối với lái xe?