Trung Quốc rơi vào khủng hoảng bất động sản dai dẳng, loạt ngân hàng lớn bị ‘vạ lây’
Tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài của Trung Quốc đang làm xói mòn bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhà nước lớn nhất quốc gia này khi các khoản nợ xấu của họ ngày càng gia tăng.
Ngân hàng Bank of Communications (Bocom) ngày 27/3 đã báo cáo rằng tỷ lệ nợ xấu bất động sản của họ đã tăng từ mức 2,8% một năm trước đó lên 4,99% vào cuối năm ngoái. Trong khi số dư các khoản thế chấp quá hạn giảm xuống, các khoản cho vay đặc biệt cho bất động sản, một chỉ số hàng đầu về các khoản cho vay khó trả, đã tăng 23% lên 9,88 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD).
Industrial & Commercial Bank of China (ICBC) cũng đã chứng kiến các khoản nợ xấu từ thế chấp nhà ở tăng 9,6% lên 27,8 tỷ nhân dân tệ. Trong phân khúc cho vay doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu bất động sản là cao nhất trong số tất cả các lĩnh vực.
Cả hai ngân hàng đều báo cáo lợi nhuận tăng ít khi biên lãi vay bị thu hẹp. Cố phiếu của Bocom giảm tới 4,9% trong phiên sáng 28/3 còn ICBC giảm tới 2,5%.
Những dữ liệu trên đưa ra cái nhìn rõ nét hơn về hoạt động của các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc trong năm qua khi Bắc Kinh giao cho họ nhiệm vụ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong nước cũng như giải cứu các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương đang mắc nợ. Đồng thời, nền kinh tế chậm lại cũng gây áp lực giảm lãi suất.
Các ngân hàng nhà nước cho đến nay vẫn tuân theo lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc giảm lãi suất cho vay và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản.
Bocom cho biết việc cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay trước đây của Trung Quốc và việc giảm lãi suất thế chấp còn tồn đọng đã làm tổn hại đến biên lãi suất. Ngân hàng cũng đã bảo lãnh thêm 56,5% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vào năm ngoái để đáp ứng nhu cầu tài chính của các nhà phát triển.
Về phía ICBC, ngân hàng này duy trì việc phát hành các khoản vay bất động sản “ổn định và có trật tự” và tăng cường hỗ trợ tài chính cho việc cho thuê nhà ở.
Giá nhà tại Trung Quốc giảm sâu trong tháng 2 ở cả phân khúc nhà mới và nhà đã qua sử dụng, làm nổi bật lên thách thức đối với chính quyền trong việc cứu vãn thị trường đang bị bao vây.
Theo Phó chủ tịch ngân hàng ICBC Wang Jingwu, ngân hàng này đã tăng cường nỗ lực quản lý rủi ro liên quan đến các dự án và nhà phát triển bất động sản. Ông cho biết tỷ lệ nợ xấu giảm 0,77% so với đầu năm.
Tính đến cuối năm 2023, số dư các khoản cho vay và thế chấp bất động sản tại ICBC là hơn 7.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm hơn 1/4 sổ cho vay của họ.
Phó chủ tịch Bocom Yin Jiuyong cho biết áp lực kiểm soát thị trường bất động sản vẫn “rất lớn” trong năm nay vì sẽ cần thời gian để doanh số bán nhà và điều kiện thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, ông cho rằng rủi ro từ lĩnh vực bất động sản vẫn có thể kiểm soát được.
Lợi nhuận và chất lượng tài sản của những ngân hàng lớn đang là tâm điểm chú ý khi các nhà đầu tư chờ đợi đánh giá khả năng phục hồi của họ trong nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động cho vay của ngân hàng để lấy lại động lực.
Theo dữ liệu chính thức, tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng 3.2% lên lên 2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, ghi nhận tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020. Dư nợ xấu tăng lên mức kỷ lục 3,23 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng TNHH Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ công bố kết quả thường niên vào ngày 28/3.
- Hãng xe điện giá rẻ Trung Quốc sắp thâm nhập thị trường Việt Nam
- Apple "chật vật" khi doanh số iPhone lao dốc thậm tệ ở thị trường Trung Quốc
- 'Cú sốc Trung Quốc' với những nhãn hàng xa xỉ toàn cầu
- Tại sao trái thanh long được Forbes của Mỹ gọi là siêu thực phẩm?
- Giá xăng tiếp tục tăng, RON 95 tiến sát 25.000 đồng/lít
- Tần suất ăn ngoài, đi cà phê của người Việt?
- Vì sao cùng làm một việc, ở một nơi nhưng có kẻ giàu, người nghèo?
- Thủ tướng yêu cầu giải pháp gỡ khó để nâng hạng thị trường chứng khoán
- Làm thế nào để sơ cứu người bị ngừng tim đột ngột?