Thứ hai, 04/11/2024, 17:04 (GMT+7)

Cảnh báo 'nóng' về thực phẩm giảm cân 'thần tốc' Tigi Max Plus: Người dùng có thể gặp những biến chứng gì?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus vừa bị cơ quan chức năng cảnh báo do chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Chất này gây nguy hại cho sức khỏe tim mạch, gan, thận cũng như hệ tiêu hóa cho người sử dụng.

Thực phẩm giảm cân chứa chất cấm Sibutramine, Phenolphtalein nguy hại ra sao?

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.

Cụ thể, theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Theo đó, thông tin về sản phẩm bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus (lô SX: 0001; NSX: 20/01/2023; HSD: 19/01/2026); giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 11127/2020/ĐKSP; quy cách hộp 3 vỉ x 10 viên. 

giamcan1
Thực phẩm giảm cân “thần tốc” Tigi Max Plus chứa Sibutramine gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiêu hóa... Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.

Sản phẩm được sản xuất tại Công ty CP Bigfa (địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm này là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bảo An LUXURY (địa chỉ tại thôn Cầu Giát, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus được lấy mẫu tại nhà thuốc Nhật Tân (số 115 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Mẫu thử phát hiện chất cấm Sibutramine: 6,67 mg/g (3,04 mg/g) và Phenolphtalein: 6,89 mg/g (3,13 mg/viên).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hòa Bình, Chi Cục đã kiểm tra tại Công ty CP Bigfa ghi nhận công ty không sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus (lô SX: 0001; NSX: 20/01/2023; HSD: 19/01/2026).

Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin và hình ảnh được Cục cảnh báo, trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và Phụ lục V, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược, Sibutramine và Phenolphthalein là các chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sibutramine gây các tác động xấu tới tim mạch nhưng lại hay bị lạm dụng trong các sản phẩm giảm cân do có tác dụng gây giảm cảm giác thèm ăn. Đây lại là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Do đó, Bộ Y tế đã quy định cấm sử dụng chất cấm Sibutramine trong các loại thực phẩm.

Từ năm 2010, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và nhiều quốc gia như Ấn Độ, Singapore... đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chất cấm Sibutramine.

Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc toàn bộ các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine do có quá nhiều tác dụng gây hại cho sức khoẻ con người. Cục Quản lý Dược đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. Các bệnh viện, viện có sử dụng thuốc này cũng bị Cục yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng thuốc.

giamcan2
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm được Cục cảnh báo. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.

Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế huyện Núi Thành (Quảng Nam), chất Sibutramine và Phenolphthalein là 2 thành phần được phát hiện trong rất nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ giảm cân. Sibutramine và Phenolphthalein là 2 chất mặc dù có cơ chế hoạt động khác nhau, tuy nhiên chúng đều có chung 1 tác dụng đó chính là giúp giảm cân cấp tốc chỉ sau 1 thời gian ngắn. Mặc dù có tác dụng điều trị béo phì và giảm cân cấp tốc tuy nhiên cả Sibutramine và Phenolphthalein đều là 2 loại thuốc được liệt kê vào danh sách cấm lưu hành của FDA.

Cũng tại Việt Nam, từ năm 2011 thì những dược chất Sibutramine và Phenolphthalein đã chính thức được Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cấm lưu hành vì gây nguy hại cho sức khỏe tim mạch, gan, thận cũng như hệ tiêu hóa cho người sử dụng.

Tuy nhiên, Phenolphthalein và Sibutramine vẫn xuất hiện trong nhiều loại thuốc giảm cân, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ giảm cân. Thậm chí còn được thần thánh như 1 “thần dược” giảm cân là vì đây là những thành phần có những tác dụng giảm cân nhanh cấp tốc nên nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe dù biết là chất cấm nhưng vẫn cố tình đưa vào để sản xuất các loại thực phẩm nêu trên.

Khi sử dụng các loại trà giảm cân và thực phẩm chức năng giảm cân có chứa Sibutramine hoặc Phenolphthalein, người dùng sẽ có những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, toàn thân mệt mỏi và có cảm giác như rụng rời và không muốn làm gì cả. Hơn nữa khi dùng các sản phẩm có chứa Phenolphthalein người sử dụng còn có các biểu hiện như đi ngoài liên tục, khiến cơ thể mất nước và sức khỏe bị suy kiệt.

Với những biểu hiện sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm giảm cân như ở trên thì thấy đây là những chất cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe và tính mạng người dùng. Bộ Y tế cấm lưu hành 2 dược chất này vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe tim mạch, gan, thận và nếu dùng lâu dài sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Vướng loạt “lùm xùm”, Công ty CP Bigfa từng bị xử lý thế nào?

Liên quan đến Công ty CP Bigfa, theo danh sách cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (cập nhật từ ngày 15/7/2022 đến 19/9/2022) được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công khai, Công ty CP Bigfa (trụ sở chính tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã bị xử phạt 275 triệu đồng.

Lý do được đưa ra là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Liver Protect (lô SX: 2001, NSX: 16/06/22, HSD: 15/06/25, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3846/2018/ĐKSP ngày 28/6/2018) và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Galilee Extra (lô SX: 2001, NSX: 15/04/22, HSD: 14/04/25, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 11968/2017/ĐKSP ngày 24/4/2017) đã vi phạm về chất lượng và ghi nhãn sản phẩm.

Trong đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Liver Protect do Công ty TNHH dược phẩm OMEGA CARE (địa chỉ: LK 384-DV 09 Đìa Lão, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) công bố sản phẩm. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Galilee Extra do Công ty TNHH và DV thương mại Thành Vinh (địa chỉ tại số 18, ngách 119/24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) công bố sản phẩm. Cả 2 sản phẩm này đều do Công ty CP Bigfa sản xuất.

Thông tin trên báo chí, ngày 30/9/2022, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, từ ngày 27/6/2022 - 29/8/2022, đoàn thanh tra của Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra tại 5 công ty trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có Công ty CP Bigfa. Đoàn thanh tra đã lấy 3 mẫu tại kho của Công ty CP Bigfa. Kết quả kiểm nghiệm có 2/3 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất không đạt chỉ tiêu chất lượng như công bố.

Cụ thể, lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Liver Protect (lô SX: 2001, NSX: 16/06/22, HSD: 15/06/25) không đạt chỉ tiêu Silymarin (công bố: > 50mg/viên; kết quả kiểm nghiệm: 36,3 mg/viên) theo Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 20037/PKN-VKNQG ngày 19/7/2022 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Sản phẩm do Công ty TNHH Dược phẩm OMEGA CARE (địa chỉ: LK 384-DV 09 Đìa Lão, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) công bố, được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 3846/2018/ĐKSP, sản xuất tại Công ty CP Bigfa.

Tiếp đến, lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Galilee Extra (lô SX: 2001, NSX: 15/04/22, HSD: 14/04/25) không đạt chỉ tiêu Silymarin (công bố: 140 mg/viên ±10%; kết quả kiểm nghiệm: 78,2 mg/viên) theo Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 20038/PKN-VKNQG ngày 19/7/2022 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Sản phẩm do Công ty TNHH SX và DV thương mại Thành Vinh (địa chỉ tại số 18, ngách 119/24 Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội) công bố, được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 11968/2017/ATTP-XNCB, sản xuất tại Công ty CP Bigfa.

Tương tự, đầu tháng 6/2020, Cục An toàn thực phẩm có quyết định về việc thu hồi giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ích Tâm Khang cấp cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sức Khỏe Việt (địa chỉ: Phòng 702, số 627 đường Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Sản phẩm này do Công ty CP Bigfa (địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất…

Thông tin giới thiệu tại website: bigfa.com.vn, Công ty CP Bigfa chuyên sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm. Bigfa hướng tới là nhà máy sản xuất số 1 Việt Nam về các dòng thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm uy tín, chất lượng, an toàn, theo tiêu chuẩn GMP, CGMP ASEAN được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn...

Đưa chất cấm vào thực phẩm có bị xử lý hình sự?

Chất cấm được hiểu là các hoá chất, chất kháng sinh... gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.

Tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định, những hành vi bị cấm gồm: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể lên tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5, Điều 6, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.

Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi sử dụng chất cấm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự.

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm…

Cùng chuyên mục