Thứ tư, 14/05/2025
logo
Tiêu điểm

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh quảng cáo sai sự thật: Không thể để ‘thuốc chữa bách bệnh’ hoành hành trên mạng

Thanh Hoa Thứ tư, 14/05/2025, 15:14 (GMT+7)

Tại phiên họp sáng 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh thực trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội hiện nay.

Mở đợt cao điểm chống hàng giả, hàng nhái trên toàn quốc từ 15/5 đến 15/6

Không cần 'ồn ào', Sprite vượt mặt Pepsi bằng chiến lược marketing văn hóa đại chúng đi vào lòng Gen Z

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và TikTok Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược giai đoạn 2025 - 2027

Tại phiên họp sáng 14/5 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo mạnh mẽ liên quan đến tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng, đặc biệt là bởi những người nổi tiếng. Đây không chỉ là lời cảnh báo với giới nghệ sĩ, KOLs hay người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, mà còn là một tín hiệu về quyết tâm xây dựng một thị trường minh bạch, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

"Thuốc chữa bách bệnh" – hiểm họa từ lòng tin mù quáng

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm giả, hàng kém chất lượng, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hiện tượng một số cá nhân lợi dụng uy tín của mình để quảng cáo sai sự thật. Những sản phẩm được giới thiệu như “thần dược”, “thuốc chữa bách bệnh” tràn lan trên mạng xã hội, từ điều trị xương khớp, tăng chiều cao cho trẻ em đến cả… chữa ung thư. Những lời quảng cáo này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn “đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin của người dân”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi lợi dụng danh tiếng để quảng cáo không đúng sự thật. 

quang-cao-sai-su-that-17472031476072099267097-1508
Thủ tướng yêu cầu bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hành vi quảng cáo không đúng sự thật (Ảnh: Sưu tầm)

Quản lý lỏng lẻo – gốc rễ của hàng giả, hàng nhái và thông tin sai lệch

Thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn đang diễn ra một cách phức tạp, kéo theo cả hệ lụy trong quản lý thông tin quảng cáo sản phẩm. Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân là do công tác chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, quyết liệt. Nhiệm vụ bị chồng chéo, có hiện tượng buông lỏng quản lý, trong khi truyền thông, tuyên truyền chưa đủ mạnh để người dân nhận diện được các hành vi lừa đảo.

Một điểm đáng lo ngại khác được Thủ tướng đề cập là chính một số cá nhân trong lực lượng thực thi pháp luật cũng có vi phạm. Điển hình là việc vừa qua, một cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã bị khởi tố. Điều này cho thấy yêu cầu cấp thiết phải làm trong sạch bộ máy, không để “con sâu làm rầu nồi canh” trong cuộc chiến chống hàng giả và thông tin sai lệch.

Hành động quyết liệt, phân công rõ ràng

Để giải quyết tận gốc vấn đề, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tránh chồng chéo, bỏ sót, không để khoảng trống pháp lý. Bộ Công an được giao xác lập chuyên án, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, công khai kết quả điều tra, xét xử để răn đe và phòng ngừa.

Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường xử lý các vụ vi phạm, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử. Các bộ Y tế, Nông nghiệp, Tài nguyên – Môi trường và KH-CN cũng được giao nhiệm vụ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, đặc biệt với các sản phẩm liên quan đến thuốc, sữa, thực phẩm – những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải triển khai công việc với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ ràng: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm”.

Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng kêu gọi phát động phong trào thi đua đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và vi phạm bản quyền. Nhưng hơn cả, thông điệp sâu xa mà ông muốn truyền tải là: mọi hành động đều phải vì lợi ích và sức khỏe của người dân, lấy nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể. Bởi một xã hội minh bạch, nơi lòng tin được gieo mầm bằng sự thật – mới là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục