Mở đợt cao điểm chống hàng giả, hàng nhái trên toàn quốc từ 15/5 đến 15/6
Sáng 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp quan trọng nhằm rà soát công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua, đồng thời chỉ đạo định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm liên quan đến công ty vừa bị khởi tố
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo về 2 sản phẩm ăn ngon cho trẻ em, người tiêu dùng cẩn trọng
Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu triển khai một chiến dịch cao điểm kéo dài một tháng (từ 15/5 đến 15/6) để đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ. Mục tiêu là tạo ra bước chuyển rõ rệt, ngăn chặn tình trạng vi phạm đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Hơn 34.000 vụ vi phạm bị phát hiện trong 4 tháng đầu năm
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong đó, có trên 8.000 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng nhập lậu; hơn 25.000 vụ gian lận thương mại và thuế; cùng hơn 1.000 vụ liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách từ xử lý vi phạm vượt 4.800 tỷ đồng. Gần 1.400 vụ đã được khởi tố với hơn 2.000 đối tượng liên quan.
Các đại biểu tại cuộc họp nêu rõ, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng chính sách ưu đãi về thủ tục thông quan, hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh… để “hợp pháp hóa” hàng hóa nhập lậu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trá hình hoặc cá nhân cũng tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng nhái, hàng giả và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thuốc giả, sữa nhái tràn vào từ mọi tuyến đường
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đặc biệt nhấn mạnh thực trạng thuốc chữa bệnh, sữa, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc đang ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam qua đường hàng không, đường biển, cửa khẩu chính và đường mòn lối mở. Phương thức gian lận phổ biến là khai sai tên hàng, xuất xứ, giá trị nhằm đánh lừa cơ quan chức năng.
Trong khi đó, Bộ Y tế lên tiếng về tình trạng nhiều người có học hàm, học vị, từng giữ chức vụ trong ngành y lại tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng trên mạng xã hội. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Bộ kiên quyết chấn chỉnh và đề nghị những người đã nghỉ hưu, không còn công tác trong ngành y tế không được tiếp tay cho hoạt động quảng bá thiếu kiểm soát này.

Tăng tốc chuyển đổi số, hoàn thiện pháp luật
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào việc xây dựng Luật Thương mại điện tử mới, đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động kinh doanh trên môi trường số. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát, xử lý vi phạm – từ việc chia sẻ dữ liệu đến đánh giá rủi ro và kiểm tra thị trường thực địa.
Ông Tân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và ký cam kết tuân thủ pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh – đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt, đẩy mạnh truy tố các vụ lớn
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức một đợt truy quét toàn diện trên cả nước.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án, tăng tốc quá trình điều tra – truy tố – xét xử các vụ án lớn, đồng thời công khai kết quả xử lý trên các phương tiện truyền thông để tạo tính răn đe mạnh mẽ trong xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý khi tổ chức bộ máy được tinh gọn lại. Bộ Công Thương cần tăng cường vai trò quản lý lực lượng quản lý thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân cố tình vi phạm.
Tăng cường phối hợp, đẩy lùi vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, việc bảo vệ thị trường trong nước trước nạn hàng giả, hàng nhái cũng phải là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để loại bỏ triệt để các hành vi gian lận thương mại, thao túng giá, găm hàng – nhất là với các mặt hàng thiết yếu như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng.
Chỉ đạo cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới tiếp nhận thông tin từ người dân qua đường dây nóng, xử lý nhanh chóng, chính xác các phản ánh về hàng hóa gian lận, hàng không rõ nguồn gốc.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông – bao gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam – đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời kiểm soát kỹ nội dung quảng cáo, đảm bảo không tiếp tay cho các sản phẩm vi phạm pháp luật xuất hiện trên sóng truyền hình và các nền tảng truyền thông đại chúng.