Thứ bảy, 03/05/2025
logo
Tiêu điểm

Đẩy nhanh điều tra, không để lọt vi phạm liên quan đến sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Lương Thụy Bình Thứ bảy, 03/05/2025, 10:02 (GMT+7)

Đây là chỉ đạo đáng chú ý vừa được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công an về việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.

Phớt lờ cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Tâm Đường vẫn tái diễn vi phạm quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội

Danh sách 84 sản phẩm sữa bị thu giữ trong đường dây sản xuất sữa giả, người tiêu dùng cần biết

Sau vụ thuốc giả, Bộ Y tế sắp có quy định mới về kinh doanh thuốc online

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 2/5/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.

Công điện nêu rõ, thời gian vừa qua, Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

suagia11
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, không để lọt vi phạm liên quan đến sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo tại nhiều văn bản, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vụ việc nêu trên. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện; phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Tuyệt đối không để lọt các trường hợp vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, đồng thời lưu ý tăng cường quản lý Nhà nước đối với mỹ phẩm, không để xảy ra các sai phạm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Rà soát các vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Tiếp đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử...

Cùng đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng. Đặc biệt là thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

Kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo sản phẩm giả

Đáng chú ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các nền tảng mạng xã hội, trên các xuất bản phẩm liên quan đến các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả theo quy định của pháp luật.

Trong đó, tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hoá về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kiểm tra, xử lý việc quảng cáo, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng; khẩn trương rà soát, thu hồi các loại thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện trên địa bàn, để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại cho người dân.

Mặt khác, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về dược, an toàn thực phẩm và quản lý quảng cáo, kinh doanh thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Liên quan vụ án đường dây sản xuất sữa giả, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng) theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ; đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại.

Liên quan đến vấn đề hiện nay, có rất nhiều người nổi tiếng, có uy tín như biên tập viên đài truyền hình, diễn viên, KOL, bác sĩ... tham gia quảng cáo không đúng sự thật nhiều sản phẩm là thực phẩm, mới đây, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên khẳng định, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo hoặc xử lý hình sự về các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự (như: Tội "Quảng cáo gian dối", quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả"..., quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự; Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự...).

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm đối với hành vi lợi dụng sự nổi tiếng, uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên không gian mạng cấu kết, giúp sức, tiếp tay trong việc quảng bá, buôn bán hàng giả, thực phẩm giả, góp phần làm lành mạnh thị trường sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tập trung điều tra, xác minh, xử lý toàn diện, triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo để tăng sức răn đe, phòng ngừa.

Đồng thời, rà soát sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại, bảo vệ người tiêu dùng để tham mưu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, bịt kín các sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, bảo vệ người tiêu dùng theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn, gắn trách nhiệm trực tiếp đối với cơ quan quản lý Nhà nước, đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm là thực phẩm. Trong đó, đề xuất tăng mức hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục