Thớt tre rất tốt nhưng các chuyên gia khuyên bạn nên lưu ý khi sử dụng
Với nhiều ưu điểm về khả năng chống vi khuẩn, chống nước và độ tiện dụng, bền bỉ, thớt tre đang ngày càng trở nên phổ biến.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) đã khuyến cáo sử dụng thớt tre từ lâu. Với những ưu điểm như: ít hấp thụ nước; chống lại các vết cắt tốt; sạch; không cong vênh, nứt vỡ; hạn chế vi khuẩn tồn lại trong các khe, kẽ mặt thớt; giá cả phải chăng… thớt tre đã dần thay thế thớt gỗ và thớt nhựa trong căn bếp của nhiều bà nội trợ.
Bản chất tre nhanh khô, không bám dính, dễ vệ sinh, các loại dao sắc cũng không để lại vết cứa, băm, chặt nên bề mặt thớt không bị vết đen, hay lên mùn. Thớt tre có 2 mặt tiện dụng, một mặt dùng cho rau, củ, quả. Mặt kia dùng cho thịt, cá.
Tre không chỉ bền mà còn cứng. Độ cứng cao của tre là do tỷ lệ silica (oxit của silic) cao tương tự như gốm và thủy tinh. Điều này có nghĩa là chặt thứ gì đó trên thớt tre cũng giống như chặt trên tấm thủy tinh hoặc miếng sứ.
Tuy nhiên, ưu điểm bên cứng của thớt tre lại trở thành nhược điểm. Hầu hết tre có độ bền kéo khoảng 1.928 kg/cm2 - đó là lượng áp lực có thể tác động lên cây tre trước khi nó bị nứt hoặc gãy. Để so sánh, thép có độ bền kéo là khoảng 1.617 kg/cm2. Trong khi đó, dao chủ yếu làm bằng thép - chặt vào một vật liệu cứng và chắc như tre thì thứ mềm hơn chắc chắn sẽ hư hỏng.
Theo Seriou Seats, nhiều chuyên gia về dao và thực phẩm tại Mỹ đã khuyến nghị mọi người không nên sử dụng thớt tre với lý do nói trên.
Ông Josh Donald - đồng sở hữu của Bernal Cutlery lưu ý: "Nhìn vào những con dao, chúng tôi có thể biết ai đang sử dụng thớt tre - vì dao thường bị mài mòn một chút hoặc có những vết mẻ nhỏ, tùy theo độ cứng của thép làm dao".
Ông Jared Schmidt - đồng sáng lập nhà sản xuất dao Schmidt Bros cũng đồng ý với quan điểm nói trên: "Thớt tre có mật độ tự nhiên tuyệt vời, giúp bịt kín và bảo vệ nó khỏi bị hư hại do nước và vi khuẩn tích tụ... Tuy nhiên, độ cứng của tre ảnh hưởng tới lưỡi dao của bạn".
Lưu ý khi sử dụng thớt tre
Chống thấm nước cho thớt tre: Khi mua thớt tre về, bạn cần dùng dầu thực phẩm như dầu khoáng, dầu thực vật… lau một lượt lên toàn bộ thớt, rồi để ráo. Sau 24 giờ lại lau dầu thêm lần nữa.
Không ngâm rửa thớt tre lâu trong nước: Nên vệ sinh thớt tre bằng nước ấm hoặc nước nóng ngay sau khi sử dụng. Cách loại bỏ vi khuẩn triệt để nhất là dựng nghiêng thớt và xả nhanh chóng dưới vòi nước nóng chứ tuyệt đối bạn không nên ngâm thớt tre vào nước. Không rửa thớt tre với các chất tẩy rửa có tính bào mòn mạnh. Không dùng búi sắt cọ xoong nồi để cọ thớt và chỉ nên dùng khăn bông hoặc bọt biển.
Sau khi làm sạch thớt tre, bạn cần lau khô bằng một chiếc khăn mềm. Sau đó, treo thớt theo chiều dọc hoặc kê nghiêng vào giá bếp.
Để thớt tre bền hơn, không bị vỡ: Nếu dùng thớt tre thường xuyên thì 5-7 ngày, bạn nên lau thớt bằng dầu thực phẩm để bảo vệ và vệ sinh bề mặt thớt.
Đảm bảo độ bền của dao: Nên cắt, chặt thực phẩm nhẹ nhàng. Với những đồ ăn cần lực tác động lớn, nên sử dụng thớt có thớ gỗ vì chúng có độ mềm, giúp giảm thiểu tình trạng lưỡi dao bị cùn.