Thị trường vận tải 'nóng rực' dịp lễ 30/4: Vé máy bay cháy hàng, tàu xe kín chỗ
Giá vé máy bay tăng vọt, tàu Thống Nhất hết sạch vé, bến xe đông nghịt người – thị trường vận tải “nóng rực” trước kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài 5 ngày.
Bến tàu Bạch Đằng - Bến tàu du lịch đường sông nổi tiếng nhất TPHCM hiện nay
Tàu bay COMAC Vietjet Air sử dụng để khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo hiện đại đến mức nào?
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày liên tục, từ 30/4 đến hết 4/5, được dự báo sẽ ghi nhận lượng người dân di chuyển lớn chưa từng có sau Tết. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng mạnh, các đơn vị vận tải tại TP.HCM như hàng không, đường sắt, xe khách đã chủ động lên phương án tăng chuyến, bổ sung phương tiện và triển khai chính sách ưu đãi.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tất cả các phương án phục vụ người dân dịp lễ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó ngành đường sắt đang ghi nhận lượng khách tăng mạnh ở cả hai chiều Hà Nội - TP.HCM và ngược lại.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tính đến ngày 18/4, hơn 80.000 vé tàu phục vụ cho dịp lễ 30/4 đã được bán hết, tương đương 62% tổng số vé cung ứng trong đợt này. Các ngày cao điểm rơi vào 29 và 30/4, khi người dân di chuyển từ Hà Nội và TP.HCM đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phan Thiết... Ở chiều ngược lại, ngày 3 và 4/5 là thời điểm đông khách trở lại Hà Nội và TP.HCM.
Để phục vụ hành khách tốt hơn, ngoài 5 đôi tàu Thống Nhất chạy thường lệ, VNR còn tổ chức thêm 2 chuyến tàu SE9 khởi hành từ Hà Nội vào TP.HCM vào các ngày 29 và 30/4. Các tàu khách khu đoạn từ Hà Nội và TP.HCM đi các địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn cũng được tăng cường chạy thêm để đáp ứng nhu cầu du lịch nội địa.

Giá vé tàu dịp lễ 30/4 – 1/5 được điều chỉnh tăng từ 2 – 4% so với cùng kỳ năm 2024, tùy theo từng tuyến và cự ly di chuyển. Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn duy trì chính sách giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội như: người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người mua vé khứ hồi...
Đặc biệt, hành khách là người có công cách mạng sẽ được giảm đến 40% giá vé khi mua vé tàu đi lại trong thời gian từ 24/4 đến 9/5. Vé được bán trực tiếp tại các nhà ga, hành khách cần mang theo giấy tờ xác nhận đối tượng chính sách khi mua vé và khi lên tàu.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt dịp này là chuyến tàu Thống Nhất tri ân các thế hệ cha anh từng chiến đấu vì độc lập, thống nhất đất nước. Chuyến tàu mang màu cờ sắc áo rực rỡ – cờ đỏ sao vàng – sẽ đưa hơn 800 hành khách đặc biệt, trong đó có nhiều cựu chiến binh và thân nhân người có công, từ hai đầu đất nước gặp nhau tại ga Đà Nẵng lúc 12h40 ngày 30/4.
Theo kế hoạch, một đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội lúc 20h55 ngày 29/4, đoàn còn lại rời ga Sài Gòn lúc 19h cùng ngày. Sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng này là cách ngành đường sắt gửi lời tri ân sâu sắc đến những người đã hi sinh cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Còn theo báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong dịp cao điểm lễ 30/4 - 1/5, các hãng hàng không nội địa sẽ thực hiện hơn 7.500 chuyến bay/ngày, tăng gần 25% so với cùng kỳ, cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế ra thị trường. Tuy vậy, tình trạng "cháy vé" vẫn xảy ra trên nhiều chặng bay hot.
Các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đều tăng giá 25 - 30%, thậm chí có chặng hết sạch vé, nhất là những khung giờ đẹp. Giá vé khứ hồi từ Hà Nội đi các điểm du lịch hiện dao động 6,5 - 7,5 triệu đồng, trong khi từ TP.HCM cũng không dưới 6 triệu đồng.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tất cả các khung giờ – kể cả khung đêm – đều kín lịch bay. Dự kiến mỗi ngày dịp lễ, sân bay này sẽ tiếp nhận gần 600 lượt chuyến. Sức nóng chưa từng thấy của thị trường hàng không đã đẩy nhiều hành khách sang lựa chọn đường sắt hoặc xe khách như phương án thay thế.
Không nằm ngoài "cơn bão" đi lại, hệ thống bến xe tại TP.HCM cũng bước vào cao điểm. Tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), dự kiến từ 29/4 đến 4/5 sẽ đón khoảng 47.400 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng ngày 30/4, bến có thể đón đến 11.500 khách.
Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ước tính phục vụ hơn 62.000 lượt khách trong dịp lễ. Trong khi đó, Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) được xem là nhộn nhịp nhất, có thể tiếp nhận đến 272.000 lượt khách, tăng khoảng 5%, với đỉnh điểm gần 62.000 khách/ngày vào 30/4.
Giá vé xe khách trong hai ngày cao điểm 29 và 30/4 được phép điều chỉnh tăng tối đa 40% đối với các tuyến đi Đà Nẵng, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây.
Trước tình hình nhu cầu tăng cao, các bến xe đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM để điều phối xe buýt, bố trí phương tiện dự phòng, đảm bảo không để hành khách nào bị lỡ hành trình.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 không chỉ là dịp để người dân nghỉ ngơi, du lịch mà còn là bài toán lớn với ngành giao thông vận tải trong việc điều tiết lưu lượng hành khách tăng đột biến. Trong bối cảnh giá cả leo thang và vé khan hiếm, hành khách nên chủ động sắp xếp lịch trình, đặt vé sớm và đến điểm khởi hành trước ít nhất 30 phút để không lỡ chuyến.