Thị trường smartphone gập ngày càng sôi động hơn
Sau nhiều năm thống trị thị trường quốc tế, smartphone gập của Samsung đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các thương hiệu điện thoại khác.
Cuộc chạy đua “điền vào chỗ trống”
Hơn 5 năm trước, chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới – chiếc Royole Flexpai, đến từ Trung Quốc được ra mắt vào cuối năm 2018. Thị trường smartphone gập sau đó bùng nổ, kéo theo sự tham gia của nhiều "ông lớn" công nghệ nhảy vào cuộc đua đầy béo bở này.
Trong đó, phải kể đến "ông lớn" Huawei trình làng công chúng sản phẩm mang tên Mate X vào đầu năm 2019. Tiếp đến là "gã khổng lồ" Samsung cũng ra mắt bộ đôi Galaxy Z Fold và Z Flip thế hệ đầu tiên vào đầu năm 2020, Xiaomi ra mắt Mi MIX Fold vào năm 2021 hay Motorola với RAZR 2019. Ngoài ra, các hãng như OPPO, OnePlus, TECNO, Google… cũng tham gia vào cuộc đua còn nhiều “chỗ trống” này.
Các smartphone gập đời đầu gặp rất nhiều hạn chế phần cứng với công nghệ màn hình gập, khiến độ hoàn thiện luôn ở mức thấp. Tuy nhiên, các hãng ngày càng nâng cấp và hoàn thiện công nghệ ở các đời kế tiếp giúp điện thoại gập trở thành một chiếc smartphone với độ hoàn thiện cao. Nhiều công nghệ cao cấp nhất về cả phần cứng và phần mềm cũng được ứng dụng nhằm định vị các sản phẩm này ở phân khúc cao cấp, trên cả flagship truyền thống.
Thị trường sôi động hơn bao giờ hết
Mặc dù nhảy vào cuộc đua muộn hơn so với một số thương hiệu, Samsung vẫn là hãng sản xuất thành công nhất ở thị trường điện thoại gập ngay từ khi trình làng bộ đôi sản phẩm đầu tiên của hãng. Trong nhiều năm, Samsung chiếm “miếng bánh” thị phần tuyệt đối. Theo số liệu của Counterpoint, năm 2022 hãng này chiếm tới 80% thị phần điện thoại gập toàn cầu.
Ngay ở thị trường tỉ dân như Trung Quốc, Samsung cũng tăng thị phần điện thoại gấp lên 4 lần, buộc các hãng sản xuất khác phải thu hẹp “miếng bánh” thị phần, nhường lại cho ông lớn Samsung.
Với đà tăng trưởng hiện tại, dự kiến trong năm 2024, Samsung sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu và bỏ xa các hãng Trung Quốc ở thị trường điện thoại gập. Còn ở thị trường toàn cầu, Samsung tỏ ra không có đối thủ và khó có hãng nào lật đổ được vị trí thống lĩnh. Mặc dù vậy, các hãng vẫn nỗ lực cho ra sản phẩm hoàn thiện, chất lượng hơn để cạnh tranh trong phân khúc đầy tiềm năng này.
Tại thị trường Việt Nam, năm 2023 đã chứng kiến sự gia nhập bộ đôi smartphone Find N3 và Find N3 Flip đến từ thương hiêu OPPO. Đây cũng được xem là dòng điện thoại cạnh tranh trực tiếp với dòng Galaxy Fold và Galaxy Flip của Samsung đã chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam trong nhiều năm liền.
Sau nhiều năm thống trị phân khúc điện thoại gập, Samsung phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn đến từ các hãng sản xuất khác như: Huawei, OPPO, Xiaomi, Motorola, OnePlus,… đang nỗ lực mang các dòng máy gập đến nhiều thị trường trên toàn cầu thay vì chỉ tập trung chăm sóc thị trường nội địa.
Tương lai của thị trường điện thoại gập
Nhìn chung, 2023 là một năm đáng nhớ với thị trường điện thoại gập. Thị trường này đã trở nên sôi động và đa dạng hơn nhờ sự góp mặt của nhiều hãng sản xuất mới.
Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường điện thoại gập dự kiến tăng từ 24,52 tỷ USD ở hiện tại lên 54,04 tỷ USD vào năm 2028. Đây là mức tăng trưởng khiêm tốn bởi điện thoại gập đã qua thời kỳ tăng trưởng chứa “yếu tố Wow”, mặc dù còn nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng khiến thị trường điện thoại gập làm nên điều kỳ diệu, đó chính là Apple. Nhiều suy đoán cho rằng Apple đang ra mắt một thiết bị gập, nhưng hãng này vẫn im hơi lặng tiếng. Nếu Apple tham gia, đây sẽ là dấu ấn lớn của thị trường điện thoại gập. Nhưng để được như vậy, Apple cần có bước đột phá, thậm chí thay đổi tư duy làm điện thoại gập so với hãng Android đang làm.