Tại sao tủ lạnh bị chập cháy dẫn đến phát nổ?
Tủ lạnh là thiết bị an toàn, rất ít khi chập cháy như bếp gas. Nhưng khi đã xảy ra chấp cháy rất nguy hiểm.
Tối 14/3 đã xảy ra vụ cháy tại nhà trọ ở tầng 3 của chung cư mini cao 5 tầng tại ngõ 187 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là do chập cháy tủ lạnh có vỏ nhựa. Lực lượng chữa cháy tại chỗ đã nhanh chóng có mặt phối hợp với chủ nhà xử lý dập tắt đám cháy. Vụ cháy chỉ gây thiệt hại về tài sản và không có thương vong.
Nguyên nhân gây chập cháy tủ lạnh
Theo các chuyên gia, so với bếp gas hay lò vi sóng, hiện tượng tủ lạnh bị chập cháy ít xảy ra hơn, dù vậy đã có một số trường hợp được ghi nhận. Trên trang thông tin điện tử EVN, Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tủ lạnh bị chập cháy rất ít khi xảy ra, nhưng cũng cần lưu ý một số điều sau đây để tủ lạnh không trở thành thứ tiềm ẩn nguy hiểm trong nhà.
Tủ lạnh quá cũ
Khi vỏ tủ bị han gỉ, nếu đặt ở nơi ẩm thấp, lớp bảo ôn có thể bị ảnh hưởng hoặc bị chuột cắn, phá. Nếu tủ lạnh bị đọng hơi nước, khi bị mất lớp bảo ôn thì nước sẽ rò vào mạch nguồn gây nên chập, cháy.
Cặn bẩn từ việc thay gas nhiều lần
Thay gas nhiều lần có thể tạo ra cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ giàn ngưng đến giàn bay hơi, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, dễ cháy nổ. Nếu không được nạp gas R-134A (không gây cháy nổ) mà lại bị nạp loại gas R-600A (giống gas nấu ăn) thì khả năng gây cháy càng lớn.
Chập điện
Do máy nén là loại kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập, chạm gây ra tia lửa điện và làm ga bắt lửa. Có trường hợp do điện áp tăng đột ngột, máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng, làm tăng áp suất của ga dẫn tới cháy nổ. Trong tủ lạnh có nhiều mút giữ nhiệt, có thể bắt cháy khi bị chập điện.
Ngoài ra, chập cháy tủ lạnh còn do sửa chữa, hàn xì, đặt chất dễ cháy trong tủ lạnh hay đặt tủ lại ở vị trí không an toàn…
Phòng tránh chập cháy tủ lạnh thế nào?
Để phòng tránh chập cháy tủ lạnh dẫn đến phát nổ, gây thiệt hại về người và tài sản, cần chú ý những biện pháp sau:
Vị trí đặt tủ lạnh an toàn
Bạn nên đặt tủ lạnh ở những nơi thoáng mát, không ẩm ướt và không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Bên cạnh đó, các gia đình cần đảm bảo có khoảng trống tối thiểu 15 cm từ tủ lạnh đến tường hoặc các vật dụng khác để tạo không gian tản nhiệt tốt.
Sử dụng an toàn
Không nên dùng vật sắc nhọn để cạy lớp tuyết hoặc đá bám trong ngăn đông của tủ lạnh. Trong ngày nắng nóng, hạn chế việc trữ các loại nước ngọt có gas trên ngăn đá của tủ lạnh. Áp suất khí trong lon có thể tăng lên khi nhiệt độ thay đổi, gây ra nguy cơ nổ lon, phát nổ tủ lạnh. Các chất dễ cháy như rượu, bia hoặc các chất dầu cũng không được đặt trong ngăn đông của tủ lạnh. Chất này có thể gây ra nguy cơ cháy nổ nếu tiếp xúc với nhiệt độ thấp.
Bảo dưỡng định kỳ
Thực hiện vệ sinh tủ lạnh và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo các bộ phận hoạt động tốt và không có cặn bẩn gây tắc nghẽn. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra các mối nối và ống dẫn gas, đảm bảo chúng không bị rò rỉ hoặc hỏng hóc.
Không được tự ý thêm ga cho tủ lạnh mà hãy nhờ chuyên viên có chuyên môn kỹ thuật hỗ trợ, nhằm hạn chế trường hợp rò rỉ gas. Trường hợp, tủ lạnh gặp sự cố hư hỏng nặng nếu không có kỹ thuật chuyên môn thì hãy liên hệ với trung tâm bảo hành và sửa chữa để họ đến khắc phục lỗi.
Phát hiện sớm các dấu hiệu của sự cố
Các chuyên gia khuyến cáo, tủ lạnh có vấn đề sẽ có dấu hiệu cảnh báo như phát ra âm thanh bất thường, bên trong tủ quá nóng hoặc có mùi gas. Nếu phát hiện những dấu hiệu này, bạn hãy ngắt nguồn điện ngay lập tức và liên hệ với dịch vụ sửa chữa.