Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 21/02/2024, 16:16 (GMT+7)

Tại sao không được tự ý truyền dịch tại nhà?

Nhiều người có thói quen khi cơ thể mệt mỏi, vừa ốm khỏi sẽ truyền đạm để cơ thể sớm phục hồi. Tuy nhiên việc tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ ở Hải Dương nhập viện khi cơn đau ngực đã diễn biến khoảng 10 ngày, đau liên tục và tăng lên khi đi lại vận động. Kết quả chụp chiếu tim cho thấy giảm tưới máu cơ tim và xơ hóa rải rác nhiều ổ vùng vách liên thất và thành dưới thất trái; giảm vận động và sức căng cơ tim nhiều vùng thất trái; chức năng tâm thu thất trái còn bảo tồn (chỉ số chức năng bơm máu của tim còn 52%).

truyen dich
Tự ý tuyền dịch tại nhà gây nhiều nguy hiểm

Được biết, người bệnh cho biết cứ hễ ốm đau hay mệt mỏi là truyền đạm, từng cấp cứu sốc phản vệ do tự ý truyền đạm tại nhà. Tưởng chừng sau khi được cấp cứu kịp thời, sức khỏe dần sẽ hồi phục. Thế nhưng sau đó chị nhận thấy bị đau ngực trái kèm theo khó thở…

Các bác sĩ kết luận bệnh nhân suy tim do viêm cơ tim sau sốc phản vệ, hội chẩn hướng điều trị phù hợp. Bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, nhiều người có thói quen khi cơ thể mệt mỏi, vừa ốm khỏi sẽ truyền đạm để cơ thể sớm phục hồi. Tuy nhiên việc tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc sai cách thì nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong.

Theo các bác sĩ, truyền dịch là biện pháp tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt, đưa những chất có lợi vào cơ thể qua đường máu để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh hoặc để phục hồi cơ thể... Trên thực tế, việc truyền dịch rất cần thiết, trong nhiều trường hợp truyền dịch còn là biện pháp cấp cứu quan trọng, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên việc truyền dịch không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ là cắm kim truyền rồi chờ cho dịch chảy hết.

Để bệnh nhân được truyền dịch, bác sĩ cần thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó lựa chọn loại dịch truyền, số lượng dịch truyền trong ngày, thời gian truyền và tốc độ truyền thích hợp với từng bệnh nhân. Sau khi có chỉ định của bác sĩ, các điều dưỡng đã được đào tạo sẽ tiền thành truyền dịch. Việc truyền dịch cần phải thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, để có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra hiện tượng sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng tắc đường thở, khiến người bệnh không thở được. Đây cũng là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm khiến tim không nhận đủ oxy. Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kịp thời và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Cùng chuyên mục