Thứ tư, 21/05/2025
logo
Đánh giá sản phẩm

Sở Y tế Đồng Nai vào cuộc vụ Nestlé Milo quảng cáo 'dựa hơi' Viện Dinh dưỡng Quốc gia

VIÊN VIÊN Thứ tư, 21/05/2025, 11:31 (GMT+7)

Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra việc Nestlé Milo quảng cáo gắn tên Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nghi dùng kết quả nghiên cứu để tạo niềm tin sai lệch.

Bộ Y tế vào cuộc vụ sản phẩm Nestlé Milo “gắn mác” Viện Dinh dưỡng: Sự thật đằng sau dòng chữ gây tranh cãi

Nestlé Việt Nam tự ý "gắn mác" Viện Dinh dưỡng trên bao bì sữa Milo?

Giải đáp: Bầu uống Milo được không? Thành phần dinh dưỡng và các loại sữa khác dành cho bà bầu

Trước phản ánh về việc  Nestlé Milo sử dụng tên Viện Dinh dưỡng Quốc gia trên bao bì sản phẩm như một hình thức bảo chứng cho chất lượng, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã chính thức vào cuộc kiểm tra và xác minh tính pháp lý của nội dung quảng cáo.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được phản ánh từ báo chí về việc các sản phẩm Nestlé Milo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam sử dụng nội dung quảng bá liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Theo đó, dòng chữ “Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” xuất hiện trên bao bì sản phẩm khiến người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm đã được cơ quan y tế kiểm nghiệm và công nhận về hiệu quả.

screenshot-2025-05-21-045853
Dòng chữ quảng cáo trên sản phẩm milo.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản yêu cầu Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Sở Y tế Đồng Nai – nơi đặt nhà máy của Nestlé Việt Nam – kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định nếu phát hiện vi phạm.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Lê Quang Trung, xác nhận đã nhận được chỉ đạo từ Bộ Y tế và đang tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc.

Trước đó, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản số 368 gửi Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, yêu cầu rà soát toàn bộ nội dung truyền thông liên quan đến sản phẩm Milo. Văn bản nêu rõ: “Nếu có bất kỳ thông tin nào sử dụng tên Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định của pháp luật, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo và tuyên truyền dinh dưỡng đúng pháp lý”.

Trong giai đoạn 2022–2023, Viện Dinh dưỡng từng phối hợp với Nestlé Việt Nam triển khai nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo kết hợp với giáo dục thể chất đối với học sinh tiểu học tại Việt Nam. Nghiên cứu được phê duyệt theo Quyết định số 1016/QĐ-VDD và đã trải qua các quy trình đánh giá khoa học, đạo đức, nghiệm thu kết quả theo đúng quy định.

Sau 3 tháng nghiên cứu, kết quả cho thấy việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo kết hợp tập luyện thể chất giúp cải thiện các yếu tố thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền và khả năng phối hợp vận động. Tuy nhiên, nghiên cứu không ghi nhận hiệu quả rõ rệt đối với tình trạng dinh dưỡng và trí lực – hai mục tiêu quan trọng khác trong đề tài.

Dù kết quả chỉ đạt một/ba phần mục tiêu nghiên cứu, dòng chữ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” vẫn xuất hiện nổi bật trên bao bì Milo. Điều này khiến dư luận lo ngại rằng người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng toàn bộ hiệu quả của sản phẩm đã được cơ quan y tế xác nhận.

Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, trước khi đưa thông tin nghiên cứu lên bao bì và truyền thông, công ty đã rà soát kỹ các quy định pháp lý. Theo Nestlé, sản phẩm Nestlé Milo là thực phẩm bổ sung, không thuộc nhóm bắt buộc đăng ký nội dung quảng cáo theo Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cũng không nằm trong danh sách sản phẩm bị cấm quảng cáo theo Luật Quảng cáo.

Công ty cho rằng, việc truyền tải kết quả nghiên cứu với sự hợp tác của Viện Dinh dưỡng là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu việc viện dẫn tên của một cơ quan y tế quốc gia trên bao bì sản phẩm thương mại có đang tạo ra hiểu lầm về tính “bảo chứng” cho chất lượng và hiệu quả hay không?

Hiện, Sở Y tế Đồng Nai đang phối hợp cùng các bên liên quan để kiểm tra, xác minh và đưa ra kết luận chính thức. Vụ việc tiếp tục làm dấy lên tranh cãi về ranh giới giữa quảng cáo hợp pháp và việc “mượn uy tín cơ quan chuyên môn” để nâng cao giá trị thương hiệu một cách không minh bạch.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục