Sếp MoMo tiết lộ chiến lược giữa lúc cạnh tranh ví điện tử khốc liệt
Với hơn 31 triệu người dùng đăng ký, MoMo vẫn là ví điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường fintech có nhiều diễn biến mới đầy cạnh tranh.
“Kỳ lân” fintech Việt Nam MoMo vẫn tự tin với chiến lược siêu ứng dụng của mình bất chấp cạnh tranh ngày càng lớn tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo, chia sẻ tại sự kiện Saigon Summit của Tech in Asia mới đây.
Một ví dụ cho thấy thị trường Việt Nam đang khốc liệt ra sao là việc Grab mới đây cho biết sẽ đóng cửa dịch vụ ví điện tử của mình ở Việt Nam từ ngày 1/7. Grab ra mắt dịch vụ ví điện tử cùng nhà cung cấp dịch vụ thanh toán địa phương Moca từ năm 2018.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của hệ thống mã QR của NAPAS được triển khai từ năm 2021 cũng phả hơi nóng vào các ví điện tử. Hệ thống VietQR của NAPAS cũng cho phép người dùng quét mã và thanh toán từ các ứng dụng ngân hàng.
Dù vậy, ông Tường chia sẻ với Tech in Asia rằng ông không nhìn nhận VietQR là đối thủ của MoMo. “Tôi luôn nói với đội ngũ của mình rằng tôi đã đợi 14 năm để thấy Việt Nam thực sự trở thành một nền kinh tế không tiền mặt. Chúng ta đang dịch chuyển đến mốc này ở tốc độ cao và tôi rất vui mừng về điều đó”.
“Là một công ty dẫn đầu thị trường, chúng tôi có nhiều lợi thế từ xu hướng đó (sự phổ biến của mã QR) vì hiện tại người dùng của chúng tôi đang dùng ứng dụng của chúng tôi nhiều hơn trước đây”, ông nói thêm.
Hồi cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bốn tháng đầu năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tăng trưởng 57,1% về số lượng giao dịch và 39,6% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Với MoMo, chiến lược tăng trưởng của dịch vụ này bao gồm việc các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên tục được thêm vào hệ sinh thái. Gần đây nhất, MoMo giới thiệu dịch vụ chứng khoán trên ứng dụng của mình thông qua hợp tác với Công ty cổ phần chứng khoán CV.
Mặc dù một số dịch vụ của MoMo có thể có biên lợi nhuận khá mỏng, ông Tường cho biết sự đa dạng sản phẩm mà MoMo đang có giúp duy trì sự ổn định tài chính nói chung.
Bên cạnh khía cạnh cạnh tranh, các fintech ở Việt Nam cũng phải giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý thay đổi. Từ ngày 1/7 năm nay, khi thực hiện các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng, người dùng cần thực hiện xác thực bằng sinh trắc học (quét khuôn mặt hoặc vân tay).
Về phần mình, ông Tường không quan ngại về thay đổi nói trên và nói rằng các giao dịch giá trị cao chiếm tỷ trọng khá thấp trong khối lượng giao dịch thanh toán trên ứng dụng MoMo. Ông nói thêm rằng MoMo sẽ phản hồi cho các nhà điều hành sau khi quan sát quy định mới được áp dụng.
Khi được hỏi về kế hoạch IPO trong 5 năm tới, ông Tường từ chối trả lời. Dù vậy, ông cho biết MoMo hiện tại không gọi vốn và kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán phụ thuộc vào cổ đông và ban lãnh đạo MoMo.
Theo số liệu mới nhất khả dụng, MoMo ghi nhận doanh thu 355 triệu USD trong năm 2022. Con số này tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đó song lỗ ròng của MoMo lại mở rộng. Với hơn 31 triệu người dùng đăng ký, MoMo vẫn đang là ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam. Dù vậy, MoMo không ngủ quên trên chiến thắng.
“Tôi từng nghe ai đó nói rất khó để đạt được vị trí số 1 nhưng duy trì vị trí số 1 còn khó hơn”, ông chia sẻ thêm.