Chủ nhật, 11/02/2024, 15:51 (GMT+7)

Sau tháng 1 trầm lắng, giá vàng sẽ 'bứt tốc' và phá đỉnh ngay sau Tết?

Khánh Tú (Theo Vietnam Finance)

Theo Hội đồng Vàng thế giới, giá vàng có thể sẽ khó tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, đà tăng của giá vàng vẫn đang được nhiều yếu tố ủng hộ.

Thị trường vàng thế giới “chững lại”

Theo báo cáo về thị trường vàng thế giới tháng 1/2024 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng thế giới đã có một tháng đầu năm “giậm chân tại chỗ” dù có nhiều yếu tố thuận lợi.

Sau những kỷ lục mới về giá vào tháng 12/2023, giá vàng chốt tháng 1/2024 ở mức 2.053USD/ounce, giảm 1% trong tháng. Đáng nói việc giá vàng thế giới giảm trong tháng đầu năm mới này khá khác biệt so với nhiều năm trước.

WGC nhận định, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới chững lại là do nhiều quỹ đầu cơ vàng đã rút mạnh dòng vốn khỏi thị trường này với 51 tấn vàng đã bị rút khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF).

Cùng với đó, đà tăng của một số loại tài sản khác như trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hay đồng USD trong bối cảnh kinh tế Mỹ có nhiều diễn biến tích cực cũng cản trở đến đà tăng của giá vàng trong tháng vừa qua.

Nhiều quỹ đầu cơ vàng đã rút mạnh dòng vốn khỏi thị trường.
Nhiều quỹ đầu cơ vàng đã rút mạnh dòng vốn khỏi thị trường.

Nhận định về giá vàng trong tháng 2/2024, WGC cho rằng lãi suất vẫn là yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá vàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ cũng như những số liệu mới của nền kinh tế Mỹ.

Theo quan sát của thị trường, dữ liệu kinh tế Mỹ tốt vượt kỳ vọng đã khiến kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong tháng 3/2024 khó xảy ra. Phân tích của WGC chỉ ra khó có khả năng nhiều ngân hàng trung ương lớn như Mỹ hay châu Âu sớm thay đổi chính sách tiền tệ khi rủi ro lạm phát vẫn còn.

Những căng thẳng trên Biển Đỏ thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vận tải toàn cầu. Điều này có thể châm ngòi cho lạm phát tăng vọt tại một số nền kinh tế trên thế giới.

Các yếu tố chính trị nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đến đà tăng của giá vàng. Trong tháng 3/2024, nhiều cuộc bầu cử tại các thị trường tiêu thụ vàng lớn trên thế giới sẽ diễn ra. Những yếu tố bất định, khó lường từ các cuộc bầu cử này cũng sẽ tác động trực tiếp đến giá vàng trong thời gian tới.

Giá vàng trong nước biến động

Trong thời gian qua, giá vàng trong nước có nhiều biến động, đặc biệt là vàng nhẫn. Những ngày gần đây, giá vàng nhẫn đồng loạt tăng mạnh, thậm chí lập đỉnh mới 66 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch ngày 9/2. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng từ 1,5-2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng cũng giao động quanh ngưỡng 78-79 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 76-77 triệu đồng/lượng chiều mua vào. So với giá vàng thế giới, giá vàng SJC đang cao hơn từ 18-18,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh kỷ lục của giá vàng miếng trong thời gian qua.

Giá vàng miếng sẽ hạ nhiệt sau khi Nghị định 24 được sửa đổi.
Giá vàng miếng sẽ hạ nhiệt sau khi Nghị định 24 được sửa đổi.

Nhận định về đà tăng của giá vàng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng nhẫn vẫn sẽ tiếp tục neo cao khi ngày vía Thần Tài đang đến gần. Trong khi đó, đối với vàng miếng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng giá vàng SJC sẽ giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 24.

Theo ông, giá vàng trong nước khi đó sẽ tiệm cận hơn với giá vàng thế giới và chỉ chênh lệch từ 3-5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng khả năng giá vàng vẫn sẽ tăng trong cả năm nay. Dù vậy, “giá vàng trong nước khó có mức tăng cao, đột biến như cuối năm 2023 nếu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp can thiệp”, ông Khánh nhận định.

Cùng chuyên mục