Chủ nhật, 15/12/2024, 14:41 (GMT+7)

Sản phẩm Cao Trung Sơn là gì mà được quảng cáo như “thần dược”?

Thời gian qua, trên mạng xã hội như Youtuber, tiktok, tài khoản có tên là “Cao Anh Trung” đã quảng cáo sản phẩm Cao Trung Sơn có thể hỗ trợ trị được bách bệnh như: Xơ gan, tiểu đường, trĩ lâu năm, mất ngủ lâu năm, xương khớp thoát vị, ung thư, ung bướu... Thực hư sản phẩm này thế nào, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình thông tin đến bạn đọc.

Tại kênh "Cao Anh Trung Vlog" trên Tiktok và Youtube, quảng cáo sản phẩm Cao Trung Sơn có thể hỗ trợ điều trị được bách bệnh như: Xơ gan, tiểu đường, xương khớp thoát vị, ung thư, ung bướu, mỡ máu, gout, bướu cổ, dạ dày tá tràng, đau dây thần kinh tọa, tê bì chân tay, tai biến. Và dùng hình ảnh của nhiều người được cho là bị bệnh nan y, bệnh lâu năm nằm liệt giường, sau khi sử dụng sản phẩm Cao Trung Sơn thì hết bệnh. Vậy, thực hư sản phẩm này là gì mà quảng cáo như “thần dược”?

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Tiếp thị và Gia đình, trên sàn thương mại điện tử Shopee rao bán với vài chục sản phẩm thương hiệu Bột ngải đen Cao Trung Sơn và viên uống Cao Trung Sơn. Để tìm hiểu sản phẩm này như thế nào, phóng viên đã đặt mua 2 bộ sản phẩm viên uống Cao Trung Sơn, sản phẩm này có hình dạng viên con nhộng, màu nâu, đóng trong hộp giấy đề chữ "Cao Trung Sơn - Hộ kinh doanh Cao Anh Trung - Số tự công bố: 01/CAT/2024 - địa chỉ tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

IMG_2794
Kênh Tiktok của Cao Trung Sơn quảng cáo bán hàng chục sản phẩm các loại

Được biết, những sản phẩm bán trên Shopee và kênh Tiktok Cao Anh Trung có giá từ 290.000 đồng đến gần một triệu đồng/sản phẩm. Những sản phẩm này được quảng cáo như thần dược hỗ trợ điều trị được bách bệnh kể cả bệnh nan y. Trong khi, sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng, quảng cáo gây nhầm lẫn là thuốc trị bệnh.

Theo quảng cáo trên, sản phẩm Cao Trung Sơn, đây là sản phẩm thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên, trên vùng núi cao, thảo dược này đã hổ trợ giúp cho rất nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị các chứng: Đau nhức trong cơ thể, bệnh xương khớp, tê bì chân tay, thoái hóa cột sống, viêm xoang, viêm nhiễm, viêm ngứa da, viêm dạ dày, nhiễm trùng, bệnh trĩ, phục hồi làm lành vết thương, rối loạn tiền đình, mất ngủ lâu năm, u bướu, hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.  

Sử dụng thảo dược Cao Trung Sơn sẽ giúp quý khách phục hồi sức khỏe, đồng thời giup cơ thể hạn chế khả năng phát sinh bệnh tật, tăng cường sức để kháng và giúp nâng cao sức khỏe cho nam giới.

IMG_2798
Viên uống Cao Trung Sơn quảng cáo hỗ trợ điều trị nhiều bệnh

Tuy nhiên, theo công bố của Cục An toàn thực phẩm ngày 29/02/2024 đây là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống Cao Trung Sơn (thực phẩm chức năng). Sản xuất tại địa chỉ Lô B5- 01 Đường số 5, Khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc, phường Vĩnh Quang , thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Để thông tìm hiểu thực hư về sản phẩm này, phóng viên Tiếp thị và Gia đình đã liên hệ và gửi nội dung câu hỏi đến Hộ kinh doanh Cao Anh Trung, tuy nhiên, hơn một tháng qua vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ sở này.

Nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng – người tiêu dùng chịu thiệt

Theo một số bác sĩ, trong những năm vừa qua nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo rầm rộ. Giá bán của một số sản phẩm TPCN khi đến tay người tiêu dùng thường bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN quảng cáo sản phẩm của mình thường "cường điệu hóa" so với công dụng thực tế, coi TPCN như một loại "thần dược" có thể chữa khỏi một số bệnh nan y.

IMG_2797
Viên uống Cao Trung Sơn được bán lên đến gần 800 nghìn đồng

Trước sự nhập nhằng đó, người dân cần tỉnh táo để tránh “tiền mất tật mang” khi đặt niềm tin không đúng chỗ, vị bác sĩ khuyến cáo.

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều cơ sở quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.

IMG_2791
Sản phẩm Cao Trung Sơn phóng viên mua về

Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các quảng cáo thực phẩm chức năng, quảng cáo sai sự thật, lừa dối hay gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

"Nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo như dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y nhưng thực chất là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh là quảng cáo sai sự thật; dùng lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng khẳng định chữa dứt điểm bệnh...", PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo.

Tạp chí Tiếp thị và Gia đình sẽ tiếp tục thông tin các nghiên cứu về thực trạng vi phạm quảng cáo TPCN đến bạn đọc, trong đó có các quảng cáo liên quan đến sản phẩm ngải đen Cao Trung Sơn.

Theo quy định của pháp luật về quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP thì nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:

Một là: Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Hai là: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Ba là: Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định và có các nội dung gồm: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Bốn là: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Năm là: Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong đó có quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Cùng chuyên mục