Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 21/11/2023, 03:23 (GMT+7)

Săm soi chiến lược mảng fintech của 2 siêu ứng dụng Grab và GoTo

Với Grab và GoTo, công nghệ tài chính (fintech) đều là mảnh ghép quan trọng bậc nhất trong hệ sinh thái dịch vụ mà chúng đang cung cấp tới người dùng.

Grab và GoTo thường xuyên được đặt lên bàn cân so sánh. Từ dịch vụ lõi là gọi xe, cả 2 hiện tại đều cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng của mình và chúng đều vận hành các ngân hàng số. Dù vậy, các chiến lược dịch vụ tài chính của cả 2 dường như lại khác nhau.

Trong quý gần nhất, GoTo mở rộng sản phẩm mạnh mẽ hơn, đồng thời cung cấp dịch vụ thanh toán bên ngoài hệ sinh thái của mình trong bối cảnh tiến dần đến mốc có lãi.

“Trong 6 tuần của quý III, chúng tôi ra mắt 4 sản phẩm và tính năng mới”, Jacky Lo, giám đốc tài chính GoTo, nói.

Chúng bao gồm sản phẩm vay tiền mặt trên Tokopedia và một ứng dụng GoPay độc lập nhắm đến đối tượng người tiêu dùng đại trà hiện đang không dùng Gojek và Tokopedia.

“Tất cả các đợt ra mắt này đều thể hiện tăng trưởng bền vững của chúng tôi với mảng fintech, cụ thể là mảng thanh toán và cho vay”, Lo nói thêm.

Cùng thời điểm, Grab đã có lãi trên nguyên tắc EBITDA sau điều chỉnh vào quý III. Đây là lần đầu tiên Grab đạt được cột mốc này. Grab cũng đang đẩy mạnh mảng dịch vụ ngân hàng số và sản phẩm cho vay sau khi đóng cửa các dịch vụ không có tính thương mại cao như GrabInvest.

GoTo thêm 4 sản phẩm mới trong khi Grab đóng 1 sản phẩm

74b8ac92668d9a910a9db40d50a41ef3
(Ảnh: Yahoo).

Với GoTo, việc mở rộng giao dịch ra bên ngoài hệ sinh thái của mình có thể mang đến cho nó một cú hích, cả ở khóa cạnh người dùng mới và các giao dịch cho vay có biên lợi nhuận cao.

2 trong số các sản phẩm mới của GoTo, sản phẩm cho vay tiền mặt trên Tokopedia và ứng dụng GoPay, nhằm mục đích tăng khối lượng cho vay và doanh thu.

4 tháng sau khi ra mắt vào tháng 7, GoPay đã có 6,3 triệu lượt tải về và 4,9 triệu người dùng hàng tuần, theo Data.ai.

Theo GoTo, xấp xỉ 50% trong số người dùng giao dịch trên GoTo là người dùng mới hoặc người dùng quay trở lại. Một phần tư trong số này sau đó cũng có giao dịch trên Gojek hoặc Tokopedia.

Trong số các sản phẩm mới GoPay Tabungan by Bank Jago (tiết kiệm) “có lẽ là sản phẩm mới sáng tạo nhất đáng chú ý”, Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research, nói với Tech in Asia.

GoPay Tabungan, ra mắt vào tháng 10, hoạt động như một tài khoản ngân hàng để giao dịch hàng ngày có thể truy vấn trực tiếp qua cả ứng dụng GoPay và Gojek. Theo GoTo, nó đã thu hút 200.000 người dùng và hơn 1 triệu giao dịch chỉ trong 2 tuần.

Trong khi GoTo mở rộng sản phẩm, Grab lại âm thầm thu hẹp chiến lược fintech của mình.

Hồi tháng 9, Grab đóng cửa GrabInvest, dịch vụ đầu tư vi mô và tiết kiệm bao gồm AutoInvest và Earn+. Cả 2 sản phẩm này đều gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng để duy trì vận hành trong khi đó lại phải cạnh tranh với các nền tảng khác với mức lãi suất tốt hơn hẳn.

Mặc dù không ra mắt sản phẩm fintech mới trong quý III, Grab chia sẻ mới đây rằng công ty đang trên đà để ra mắt nhiều dịch vụ ngân hàng số ở các thị trường mới vào cuối năm nay. Dù vậy, các chiến dịch này “có thể sẽ không mang lại lợi ích ngay lập tức”, ông Anthony Tan, người đồng sáng lập và CEO Grab, nói.

Dịch vụ tài chính tăng trưởng ổn định

Vào quý III, tổng doanh thu cho mảng dịch tài chính của GoTo tăng 5% so với cùng kỳ, phần lớn thúc đẩy nhờ mảng cho vay tiêu dùng. EBITDA sau điều chỉnh cho mảng dịch vụ này cũng cải thiện 55% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh người dùng giao dịch cả trong và ngoài hệ sinh thái GoTo.

Ngược lại, mặc dù doanh thu dịch vụ tài chính của Grab vẫn tăng theo quý từ quý II/2022, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) lại theo chiều hướng giảm do Grab vẫn tiếp tục tập trung vào giao dịch bên trong hệ sinh thái của mình.

Quý III năm nay, GMV mảng dịch vụ tài chính của Grab giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, cũng trong khoảng thời gian này, doanh thu của Grab ở mảng dịch vụ tài chính tăng hơn gấp 2 lần lên mốc 50 triêu USD.

Mảng cho vay cũng mang lại những tác động tích cực đến Grab. Theo công ty này, các tài xế vay tiền từ Grab có tỷ lệ giữ chân cao hơn 1,5 lần so với nhóm tài xế còn lại.

Mảng cho vay dẫn dắt tăng trưởng

Cho vay trên kênh số sẽ là mảng tập trung chính đối với cả Grab và GoTo. “Số liệu tăng trưởng đáng chú ý của chúng tôi phần lớn đến từ mảng cho vay”, Alex Hungate, COO Grab, chia sẻ. Mặc dù công ty này đang lên kế hoạch cung cấp dịch vụ vay tới nhiều người dùng hơn, chiến lược dành cho mảng thanh toán vẫn “tập trung vào hệ sinh thái của chúng tôi”, ông Hungate nói.

Với GoTo, nhóm khách hàng cho vay mục tiêu ban đầu nhiều khả năng vẫn sẽ là người dùng đã sử dụng nền tảng do “có sẵn các dữ liệu về chi tiêu”, ông Mackintosh nói. Việc cho vay tới khách hàng bên ngoài sẽ cần kiểm tra tín dụng nhiều hơn. Dù vậy, GoTo hoàn toàn có thể tận dụng kinh nghiệm quản trị rủi ro của ngân hàng Bank Jago.

Dư nợ tại GoTo tăng trưởng gần 44% lên mốc 89,5 triệu USD trong quý III so với quý trước đó. Tech in Asia nhận định trong tương lai gần, mảng fintech của GoTo vẫn có động lực tăng trưởng chính nhờ mảng cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, dư nợ của Grab trong quý III đạt 275 triệu USD cùng tổng dư nợ đã giải ngân chạm mốc 1 tỷ USD.

Với thực tế này, việc Grab và GoTo quản lý nợ xấu tốt như thế nào sẽ là chìa khóa thành công. Cả hai đều đang xây dựng các mô hình chấm điểm tín dụng dựa trên lượng dữ liệu lớn về người dùng mà chúng sở hữu.

Grab cho biết tỷ lệ nợ xấu của hãng này vẫn đang ổn định ở mức 1 con số thấp do công ty này “sử dụng một lượng lớn dữ liệu khi quyết định cho vay”.

Trong quý III, mặc dù chiến lược fintech của Grab và GoTo đã có những điểm khác biệt, cách tiếp cận của cả hai đối với mảng cho vay tiêu dùng dường như giống nhau: nhắm đến nhóm người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ bởi ngân hàng truyền thống.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục