Quỹ đầu tư của cựu lãnh đạo Alibaba đánh cược vào mảng fintech Đông Nam Á
Với dân số đông, tiềm năng tăng trưởng lớn và nhiều người dân chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ, Đông Nam Á là thị trường tiềm năng cho các startup và các nhà đầu tư ở mảng fintech.
Một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hong Kong do một cựu lãnh đạo Alibaba dẫn dắt đang đẩy mạnh đánh cược vào mảng công nghệ tài chính (fintech) của Đông Nam Á. Động thái này có thể giúp nhiều startup tiềm năng trở thành startup “kỳ lân” bằng cách đạt định giá trên 1 tỷ USD, theo Nikkei.
Được thành lập hơn 1 năm trước, 01Fintech mới đây đã cùng Marshall Wace (Anh), một trong những quỹ phòng vệ lớn nhất thế giới, và Bessemer Venture Partners, công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ, tham gia vào vòng gọi vốn Series C cho startup mạng thanh toán quốc tế Singapore Thunes.
“Đội ngũ ở 01Fintech mang lại những kinh nghiệm sâu sắc ở mảng thanh toán, ngân hàng và thương mại điện tử (TMĐT). Có nhà đầu tư hiểu về hệ sinh thái của chúng tôi là cực kỳ quan trọng”, Peter De Caluwe, CEO Thunes, nói với Nikkei khi được hỏi về lý do gọi vốn từ một quỹ khá mới.
Kenny Man, đối tác điều hành và đồng sáng lập 01Fintech, tích lũy được nhiều kinh nghiệm đầu tư tại Châu Á sau khi trở thành giám đốc bộ phận đầu tư quốc tế của Alibaba vào năm 2009. Sau khi gia nhập Ant Group vào năm 2015, ông tiếp tục quản lý việc đầu tư vào các startup fintech lớn trong khu vực, bao gồm GCash của Philippines. Ông sáng lập 01Fintech vào tháng 6/2022.
01Fintech tập trung vào các startup fintech Đông Nam Á với mục tiêu tận dụng được tăng trưởng kinh tế và mảng fintech của khu vực này. Nhiều người tại Đông Nam Á vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, đồng nghĩa với việc mảng ngân hàng số và các dịch vụ tài chính khác như thanh toán số vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
“Mảng fintech Trung Quốc đã đạt được mức độ trưởng thành nhất định và đã đón nhận được các đợt gọi vốn lớn”, ông Man nói trong buổi phỏng vấn với Nikkei và nhấn mạnh, nhiều “kỳ lân” đã xuất hiện trong mảng này ở quốc gia tỷ dân.
Ở Trung Quốc, 80% người tiêu dùng dùng ví điện tử, theo FIS. Dù vậy, con số này là dưới 40% ở Philippines, Việt Nam và Indonesia. Thực tế, ông Man cho rằng, hiện trạng mảng fintech ở Đông Nam Á lúc này phản ảnh lại bức tranh ở Trung Quốc 10 năm trước.
“Kỷ nguyên vàng mảng fintech ở Trung Quốc xảy ra trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020. Khi bạn nhìn vào mức độ thâm nhập internet và TMĐT… tỷ lệ dân số chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ ở Đông Nam Á có thể so sánh với Trung Quốc ở năm 2010”, ông Man nói. “Thời điểm này là “thập niên tiếp theo” của đợt bùng nổ của mảng fintech Đông Nam Á”, vị chuyên gia này nhận định thêm.
Dù vậy, ông Man nhấn mạnh rằng, thị trường ở Đông Nam Á có điểm khác biệt so với Trung Quốc. Trong khi tăng trưởng của mảng fintech Trung Quốc đến từ nền tảng thanh toán Alipay của Ant Group, thị trường Đông Nam Á có mức độ phân mảnh cao hơn.
“Đông Nam Á có bức tranh phân mảnh hơn với nhiều công ty vẫn đang cố gắng cho vị trí số 1”, ông Man nói. Ông nhìn thấy tiềm năng lớn ở các dịch vụ như “mua trước, trả sau”, tài trợ chuỗi cung ứng hoặc giải pháp tài trợ, trong đó các đơn vị cung ứng nhận được thanh toán sớm dựa trên hóa đơn.
01Fintech đầu tư và các startup fintech đang trong giai đoạn tăng trưởng và có tiềm năng trở thành “kỳ lân” thay vì tập trung vào các startup giai đoạn đầu. Với kinh nghiệm và mạng lưới mà Man đã xây dựng được sau nhiều năm làm việc tại Ant và Alibaba, 01Fintech không chỉ cấp vốn cho startup, mà còn mang đến kinh nghiệm thực tiễn, ông Man nhận định. “Các doanh nhân muốn lấy kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm từ chúng tôi”.
Theo CB Insights, Đông Nam Á có 11 “kỳ lân” fintech tính tới thời điểm cuối tháng 5/2023. Với dân số lớn và triển vọng phát triển mạnh mẽ, con số này nhiều khả năng sẽ tăng trong những năm tới.
Ông Man nói, không có nhiều quỹ tập trung hoàn toàn vào startup fintech tại Đông Nam Á. Nhiều quỹ tập trung vào Đông Nam Á nhưng khi môi trường gọi vốn trở lên thách thức hơn trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, các quỹ ngày càng chịu ảnh lực phải có kinh nghiệm chuyên môn cao và các chiến lược đầu tư độc đáo.
Trong bối cảnh đó, hồi tháng 4, 01Fintech thành lập hợp tác chiến lược với Sinar Mas Financial Services (SMMA), công ty con của Sinar Mas Group, một trong những tập đoàn lớn nhất Indonesia, để đảm bảo các hình thức hỗ trợ đa dạng không chỉ dừng lại ở vốn.
Thỏa thuận này bao gồm việc SMMA đầu tư vào 01Fintech. Bên cạnh đó, SMMA có thể giúp các công ty trong danh mục của 01Fintech thâm nhập thị trường Indonesia.
“Các công ty quan tâm đến fintech ở Đông Nam Á sẽ cần một đối tác mạnh hiểu về vận hành đa quốc gia và nhu cầu quy mô, đồng thời phải am hiểu về sự phức tạp về cơ chế quản lý ở mỗi quốc gia và giữa các quốc gia”, ông Man nhận định.