Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương
Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương tôn vinh, truyền bá lịch sử và văn hóa cội nguồn của dân tộc trong đời sống đương đại, góp phần khẳng định giá trị tâm linh Việt, văn hóa Việt, đạo đức Việt trong bối cảnh hội nhập toàn diện với thế giới.
Chiều 15/5, lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương đã diễn ra tại Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (thuộc Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đường vào Vương quốc Vua Hùng trên không gian thực tế ảo".
Tới dự lễ ra mắt có sự tham gia của GS.TS Hoàng Chí Bảo (nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương); Thầy thuốc Nhân dân - GS.TS Trương Việt Bình (Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam); PSG.TS Bùi Văn Liêm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam); Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam… cùng nhiều chuyên gia về lịch sử, khảo cổ, Việt Nam học.
Kế thừa và phát huy cội nguồn văn hóa Việt và từng bước hiện thực hóa dự án Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo do Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Chương trình Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp (TTV), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương, Hội Nam y Việt Nam, Công ty CP Câu lạc bộ Laicity khởi xướng, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương được thành lập. GS.TS Hoàng Chí Bảo được Hội đồng khoa học nhất trí mời làm giám đốc Trung tâm.
Tại lễ ra mắt, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương chia sẻ: “Trong ký ức thiêng liêng của lịch sử, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, mỗi chúng ta đều khắc ghi lời Bác: Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Có thể nói, giai đoạn lịch sử trước thời Hùng Vương ít người biết đến, đặc biệt là lớp trẻ, bởi những bằng chứng xác thiết khoa học như cổ vật, thư tịch cổ… chưa có điều kiện tập hợp một cách đầy đủ và bị thất tán bởi sự thăng trầm của lịch sử.
Việc nghiên cứu khoảng thời gian hơn 1.000 năm, từ thời Lạc Long Quân tới thời Hùng Vương là những câu chuyện khó, và mang đậm tính huyền sử. Chính vì vậy, việc tôn vinh, truyền bá lịch sử và văn hóa cội nguồn của dân tộc trong đời sống đương đại là rất quan trọng và ý nghĩa, góp phần khẳng định giá trị tâm linh Việt, văn hóa Việt, đạo đức Việt trong bối cảnh hội nhập toàn diện với thế giới”.
Trao đổi về vai trò của truyền thông trong việc hướng đích dân tộc tôn vinh văn hóa truyền thống, Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đặc biệt coi trọng những chương trình nhân văn hướng về cội nguồn. Tại chương trình có quy mô cộng đồng như lễ rước và an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2021, các thành viên của Hiệp hội đã có nhiều đóng góp bằng những sản phẩm truyền thông cộng đồng như bảng điện tử Led trên các nhà cao tầng, tuyến phố tại Hà Nội, TPHCM và Tiền Giang. Trước sự kiện có ý nghĩa lớn này, Hiệp hội sẽ cùng đồng hành, góp sức với ban tổ chức cùng nhau tôn vinh văn hóa cội nguồn.
Sự nghiệp này cần sự hợp lực của toàn xã hội, từng bước thực hiện nhiều nội dung văn hóa theo phương thức xã hội hóa một cách chiến lược và lâu dài, nhằm khơi dậy niềm tin và niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên.
Cũng tại lễ ra mắt, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương đã giới thiệu một số hoạt động về dự án Đường vào các Vương quốc Vua Hùng trên không gian thực tế ảo, chương trình “Dấu ấn Việt Nam” và trình chiếu một số clip, tài liệu quý.
Tại sự kiện, GS. TS Hoàng Chí Bảo đã trao tặng lá cờ Hùng Vương và ủy nhiệm TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) chuyển tặng cho đồng bào và chiến sĩ quần đảo Trường Sa. Cùng đó, Thầy thuốc Nhân dân - GS.TS Trương Việt Bình, đại diện Ban Tổ chức, cũng trao tặng lá cờ Hùng Vương cho đại diện lãnh đạo huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai nhiều phương thức xã hội hóa văn hóa để cùng người Việt trong và ngoài nước tôn vinh văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị từ thời tiền sử của dân tộc…