Thứ năm, 22/05/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Nông nghiệp thông minh có gì khác với nông nghiệp truyền thống?

Pha Lê Thứ năm, 22/05/2025, 14:14 (GMT+7)

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới sự bền vững và hiệu quả, chương trình “Canh tác thông minh” do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt trên cây lúa và cà phê. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, để tìm hiểu về những lợi ích của canh tác thông minh và cách Bình Điền đồng hành cùng nông dân đạt vụ mùa bội thu.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất 7 định hướng để vùng ĐBSCL phát triển bền vững

Khu vườn 'độc lạ Bình Dương' của lão nông U60 có gì?

Phóng viên (PV): Thưa ông Ngô Văn Đông, chương trình “Canh tác thông minh” của Bình Điền đã được nhắc đến nhiều như một giải pháp đột phá. Ông có thể chia sẻ tổng quan về chương trình này và lý do Bình Điền lựa chọn tập trung vào cây lúa và cà phê?

Ông Ngô Văn Đông: Chương trình “Canh tác thông minh” được Bình Điền phát triển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Chúng tôi hướng tới việc cung cấp cho nông dân các giải pháp cánh tác tiên tiến phù hợp với điều kiện đất đai, thỗ nhưỡng, thời tiết khí hậu của vùng cánh tác, qua đó vừa giúp nông dân gia tăng hiệu quả canh tác, tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Và chúng tôi rất vui là quy trình canh tác lúa trong chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT (nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận là tiến bộ kỹ thuật vào tháng 03/2023.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (bìa trái) trò chuyện cùng nông dân.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (bìa trái) trò chuyện cùng nông dân.

Cây lúa và cà phê được chọn vì đây là hai cây trồng chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn vào kinh tế nông nghiệp và xuất khẩu. Lúa là mặt hàng thiết yếu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có giá trị xuất khẩu lớn. Trong khi đó, cà phê là ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản lượng và kim ngạch. Tuy nhiên, cả hai cây trồng này đều đối mặt với thách thức như biến đổi khí hậu, thói quen canh tác chưa bền vững, đất đai thoái hóa và chi phí sản xuất cao. Canh tác thông minh giúp giải quyết những vấn đề này bằng cách tối ưu hóa quy trình, từ lượng giống, phân bón đến quản lý nước và sâu bệnh hại, trong đó đặc biệt là giúp người nông dân trở thành chuyên gia trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

PV: Cụ thể, canh tác thông minh mang lại những lợi ích gì cho nông dân trồng lúa và cà phê, thưa ông?

Ông Ngô Văn Đông: Với cây lúa, chương trình “Canh tác lúa thông minh” được triển khai rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông & Dịch vụ Nông nghiệp 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, giai đoạn từ 2016-2022. Kết quả cho thấy, nông dân giảm được trên 50% lượng giống gieo sạ, 20-30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, công lao động… góp phần giảm chi phí đầu vào từ 3-5 triệu đồng/ha, trong khi năng suất tăng lên từ 10-15%, lợi nhuận tăng 5-7 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Mô hình cà phê xen hồ tiêu.
Mô hình cà phê xen hồ tiêu.

Đối với cây cà phê, trước thực trạng cây cà phê chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cùng thói quen canh tác cũ của người dân đã làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững. Năm 2023, sau thành công trên cây lúa, Bình Điền chúng tôi tiếp tục hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai trên cây cà phê với dự án “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2023 – 2026. Dự án ra đời với mục tiêu tìm ra những tồn tại và hạn chế hiện có trong các phương thức canh tác cà phê truyền thống tại Tây Nguyên; từ đó phát triển quy trình canh tác mới phù hợp cho sản xuất cà phê đạt hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính.

Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, hầu hết các mô hình cây sinh trưởng tốt, có sự thay đổi theo hướng tích cực, vườn cây dự báo đạt năng suất cao so với trước khi tham gia mô hình, đồng thời cũng dự báo tích cực về sự ổn định lâu dài cho ngành cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Có thể thấy rằng, canh tác thông minh ngoài việc giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đất đai và nguồn nước, góp phần xây dựng nông nghiệp bền vững. Điều này rất quan trọng khi các thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu nông sản phải đạt chuẩn “xanh” và “sạch”.

PV: Để triển khai canh tác thông minh, Bình Điền đã áp dụng những quy trình, công nghệ hoặc sản phẩm nào, và làm thế nào để nông dân tiếp cận được các giải pháp này?

Ông Ngô Văn Đông: Bình Điền đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chúng tôi đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ kỹ thuật canh tác, trang bị các trạm quan trắc nước mặn, pH nước tự động, bút đo độ mặn, trạm giám sát sâu rầy tự động, ứng dụng cơ giới hóa, đến sản phẩm phân bón chuyên biệt… Chúng tôi là đơn vị đầu tiên trong ngành phân bón Việt Nam thành lập Hội đồng Khoa học Kỹ thuật với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, đồng thời hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học để phát triển sản phẩm phù hợp từng loại đất và cây trồng.

Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với cây lúa, cùng chung xu thế mới, công ty đã nghiên cứu và ứng dụng các chủng vi sinh vật (VSV) yếm khí đưa vào sản phẩm NPK giúp khai thác hết tiềm năng của đất như VSV cố định nitơ, VSV phân giải phốt pho khó tan và VSV phân giải xen lu lô cũng như bổ sung các chủng VSV nội sinh giúp cho cây tăng sức chống chịu thời tiết khắc nghiệt, và bộ sản phẩm này là kết quả của Chương trình Canh tác lúa thông minh - bộ ba cho đất lúa ĐBSCL: Đầu Trâu Bio - Canxi, Đầu Trâu Bio Lúa 1 và Đầu Trâu Bio Lúa 2 - góp phần giúp cho đất khỏe, cây trồng khỏe, đáp ứng cho việc canh tác bền vững và giảm phát thải.

Với cây cà phê, chúng tôi tiến hành triển khai nhiều nội dung sát sườn như điều tra thực tế 500 hộ canh tác cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên để thu thập thông tin cơ sở về giống, kỹ thuật canh tác, tưới nước, bón phân, dịch hại... Tổ chức lấy mẫu và phân tích gần 200 mẫu đất với hơn 2.300 chỉ tiêu lý hóa sinh ở các tầng canh tác trong các vườn cà phê trồng thuần và trồng xen, trong các vườn cây già cỗi, vườn cà phê đang sung sức… để đánh giá hiện trạng độ phì nhiêu đất, phát hiện yếu tố hạn chế và mức độ ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và dự báo cho 3 năm tới nhằm giúp bà con trồng cà phê có thể nhìn thấy những tác động tích cực mà thực tế chương trình mang lại, từ đó hướng bà con tích cực hơn trong việc áp dụng quy trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Mô hình canh tác lúa thông minh.
Mô hình canh tác lúa thông minh.

Chương trình chọn mỗi tỉnh 3 huyện trọng điểm để bố trí mô hình thí điểm, tổng cộng có 15 mô hình, mỗi mô hình 1,5 hecta. Tùy vào hiện trạng thực tế của từng mô hình, chúng tôi nghiên cứu và cung cấp quy trình canh tác phù hợp, trong đó có việc sử dụng nước hợp lý, bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng và năng suất vườn cây và tình hình khả năng cung cấp của đất, đặc biệt là ứng dụng VSV và các chất đặc biệt để giúp tang cường sức khỏe đất, giúp đất ổn định pH, gia tang hấp thu dinh dưỡng, giảm các bệnh hại từ đất, giúp bà con nông dân đạt lợi nhuận cao và ổn định, đưa canh tác cà phê đến bền vững.

Để nông dân tiếp cận, Bình Điền tổ chức các chương trình trình diễn thực tế trên đồng ruộng, tập huấn kỹ thuật và tư vấn trực tiếp hoặc trực tuyến... Chúng tôi cũng phát triển ứng dụng “Canh tác thông minh” trên điện thoại, cung cấp thông tin về thời vụ, kỹ thuật và nhật ký canh tác điện tử để người dân có thể tiệp cận việc số hóa trong canh tác, qua đó có thể truy suất được nguồn gốc của sản phẩm canh tác.

PV: Một số ý kiến cho rằng canh tác thông minh có thể làm giảm doanh thu của doanh nghiệp vì nông dân dùng ít phân bón hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Ngô Văn Đông: Đúng là canh tác thông minh khuyến khích giảm lượng phân bón trên đơn vị diện tích, nhưng điều này không làm giảm doanh thu mà ngược lại, giúp Bình Điền mở rộng thị phần. Khi nông dân thấy hiệu quả vượt trội về chi phí và năng suất, họ tin tưởng và sử dụng sản phẩm của chúng tôi trên diện tích lớn hơn, thậm chí giới thiệu cho người khác.

Chương trình Canh tác thông minh là một chương trình thiết thực cho bà con nông dân nên Bình Điền rất tâm huyết.
Chương trình Canh tác thông minh là một chương trình thiết thực cho bà con nông dân nên Bình Điền rất tâm huyết.

Quan trọng hơn, chúng tôi đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu. Giảm lượng phân bón không chỉ giúp bà con tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường và bảo vệ môi trường. Đây là cách Bình Điền thực hiện sứ mệnh “đồng hành và chia sẻ” với nhà nông, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Năm 2024, doanh thu hợp nhất của Bình Điền đạt kỷ lục là 9.489 tỷ đồng, đó là minh chứng cho chiến lược này.

PV: Ông có lời khuyên nào cho nông dân để áp dụng canh tác thông minh hiệu quả trên cây lúa và cà phê?

Ông Ngô Văn Đông: Trước tiên, bà con cần thay đổi tư duy từ canh tác truyền thống sang canh tác khoa học. Hãy tham gia các buổi tập huấn, mô hình trình diễn và ứng dụng “Canh tác thông minh” để nắm rõ kỹ thuật. Tốt nhất bà con nên nghe và thực hành theo các chuyên gia của chương trình Canh tác thông minh, bởi đây là chương trình thực tế và đã được Cục trồng trọt - Bộ NN &PTNT  công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Và nếu bà con đã sử dụng điện thoại thông minh thì nên cài ứng dụng “Canh tác thông minh” để xem và thực hành theo các phương pháp canh tác cho lúa và cà phê theo phương pháp mới, giúp nâng cao giá trị, hướng đến canh tác bền vững. 

PV: Bình Điền có kế hoạch gì để mở rộng chương trình canh tác thông minh trong tương lai?

Ông Ngô Văn Đông: Chương trình Canh tác thông minh là một chương trình thiết thực cho bà con nông dân nên Bình Điền rất tâm huyết. Chương trình đã rất thành công trên cây lúa và hiện tại đang triển khi cho cà phê. Và hiện nay chúng tôi đang hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) để nghiên cứu các chủng vi sinh vật bản địa có chức năng phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng cũng như phát triển công nghệ quản lý rơm rạ, giảm phát thải trong sản xuất lúa để ứng dụng trong Dự án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Chương trình Canh tác lúa thông minh - bộ ba cho đất lúa ĐBSCL.
Chương trình Canh tác lúa thông minh - bộ ba cho đất lúa ĐBSCL.

Song song đó chúng tôi cũng đang phối hợp với các đối tác cung cấp vi sinh vật trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu thử nghiệm chủng VSV có khả năng ức chế khí metan trong môi trường sản xuất lúa ngập nước, chúng tôi tin rằng các dự án này sau khi thành công sẽ góp phần giúp bà con canh tác hiệu quả hơn. Ngoài ra, chương trình “Canh tác lúa thông minh” chúng tôi cũng đã cho triển khai tại đất nước bạn Campuchia, qua 2 vụ có kết quả rất tốt, ngành nông nghiệp Campuchia đánh giá cao, bởi mang lại thu nhập cao cho người trồng lúa.

 Và ngay trong mùa mưa 2025, Ban cố vấn công ty đã cùng với Cục lúa gạo Campuchia tập huấn cho các cán bộ Ngành nông nghiệp của tỉnh Preiveng, sắp tới tiếp tục tập huấn sang các tỉnh trọng điểm khác của Campuchia để đẩy mạnh chương trình “Canh tác lúa thông minh” cho đất nước bạn. Qua đó tiếp tục khẳng định vị thế của Công ty tại thị trường nước ngoài.

PV: Cảm ơn ông Ngô Văn Đông đã dành thời gian chia sẻ. Chúc Bình Điền tiếp tục thành công trong sứ mệnh đồng hành cùng nông dân!

Ông Ngô Văn Đông: Cảm ơn quý báo. Bình Điền sẽ luôn sát cánh cùng bà con nông dân, mang đến những vụ mùa bội thu và một nền nông nghiệp xanh, bền vững!

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục