Đồng bào dân tộc thiểu số đem đặc sản địa phương đến tiếp thị cho người dân TP HCM
Ngày 18/1, tại Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (quận 3, TP HCM), phiên chợ sản phẩm OCOP – đặc sản địa phương đã quy tụ nhiều sản vật độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số đến tiếp thị tại TP HCM.
Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Viết Bình – Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phụ trách khu vực phía Nam cho biết, gần 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trên chặng đường phát triển sản phẩm và chủ thể OCOP.
Tính đến cuối năm 2024: Cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023) trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao có 8.086 chủ thể OCOP, trong đó có 32,7% là HTX, 24,1% là doanh nghiệp nhỏ, 42,7% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Sản phẩm OCOP đã và đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn; các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn từ khắp mọi miền Tổ quốc được nâng tầm giá trị, đến gần hơn không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã trở thành niềm tự hào của quốc gia trong các sự kiện ngoại giao quốc tế.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khẳng định tính đúng đắn của chiến lược phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền, từ đó góp phần xây dựng Nông thôn mới hiệu quả và bền vững.
Chia sẻ tại chương trình, bà Trịnh Thị Mỹ Dung – Quản lý NTFP-EP Việt Nam cho biết, chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) nhằm mục đích bảo tồn rừng và đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Đồng bào dân tộc khi tham gia không đòi hỏi chi phí cao hàng năm để đánh giá lại, phù hợp với điều kiện của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi.
“Chúng tôi tài trợ toàn bộ các chuyến đi lại, ăn uống và khách sạn để các nhóm sản phẩm lên thành phố bán trước Tết. Mục đích là giúp họ có tiền để ăn Tết đủ đầy hơn. Và quan trọng là họ cũng thông qua đây học hỏi từ các doanh nghiệp khác về kỹ năng thương mại, truyền thông để cải thiện sản phẩm của mình”, bà Dung nói.
Quan sát của phóng viên, sự kiện có khoảng 60 gian hàng gồm hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương đại diện cho hơn 10 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là những sản phẩm của cộng đồng đồng bào: Dao, Ba Na, Ê Đê, S’Tiêng, Rak Ray….
Có thể kể đến Gạo bọc thép K’Bang, mật ong voi rừng, trà dây rừng, rượu cần Đắk Giang, nấm linh chi, sâm khoẻ Kon Pne, mănh khô K’Bang của tỉnh Gia Lai; Môn dóc, đọt mây, dừa rừng, rau thơm, lá dong gói bánh, rựơu chòi mòi và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Thổ cẩm Bana của tỉnh Kon Tum và nhiều đặc sản địa phương khác.
Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam được thành lập bởi Viện Sinh thái học Miền Nam và Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ châu Á. NTFP-EP Việt Nam có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tổ chức còn có vai trò thúc đẩy việc sử dụng và quản lý rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học thông qua tăng cường năng lực của các cộng đồng phụ thuộc vào rừng và các doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ dựa vào cộng đồng. Hiện chương trình đang thực hiện dự án “AFOCO-CLMV-NTFP-EP Châu Á về cải thiện sinh kế địa phương và liên kết thị trường".