Thứ ba, 12/03/2024, 11:18 (GMT+7)

Nồng độ cồn nội sinh khác nồng độ cồn do uống bia, rượu thế nào?

Nhiều người không uống bia, rượu nhưng vẫn lo ngại có nồng độ cồn nội sinh trong cơ thể và có thể bị phạt nếu bị thổi nồng độ cồn.

Nồng độ cồn nội sinh là gì?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, nhiều người băn khoăn việc bản thân không ăn uống hay tiếp xúc các thực phẩm có cồn nhưng khi thổi nồng độ cồn vẫn dương tính. Trường hợp này có thể gọi là cồn nội sinh - cồn do cơ thể tự sinh ra.

Cơ thể mỗi người đều có nồng độ cồn tự nhiên dù rất nhỏ. Glucose được cho là nguồn năng lượng ưa thích của nấm men và vi khuẩn cũng như đối với con người. Khi chúng vào cơ thể, quá trình chuyển hóa khác nhau sẽ phát sinh lượng cồn.

nong do con
Người mắc các vấn đề tiêu hóa, chuyển hóa có thể có nồng độ cồn nội sinh

Một số trường hợp khả năng cao gây cồn nội sinh bao gồm người bệnh gặp các vấn đề chuyển hóa, người có các bệnh lý đường tiêu hóa, đường mật, xơ gan, đái tháo đường, một số loại nấm men và có mặt ở niêm mạc của cơ thể cũng gây cồn nội sinh. Tuy nhiên, tỉ lệ người mắc bệnh này rất ít, tỉ lệ cực hiếm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, tùy phân bổ hệ vi sinh đường ruột của từng người khác nhau mà lượng cồn nội sinh sẽ khác nhau ở mỗi người. Nồng độ cồn nội sinh trong máu khoảng 0.26-0.75mg/lít (rất thấp). Nồng độ cồn trong hơi thở bằng khoảng 1/2.100 trong máu. Tức là nồng độ cồn nội sinh trong hơi thở khoảng 0.00012-0,00036 mg/lít khí thở (khoảng 1-3 phần triệu gram trong mỗi lít khí thở).

Xác định nồng độ cồn nội sinh như thế nào?

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện bệnh viện cũng có thể kiểm tra hiện tượng nồng độ cồn nội sinh để "bào chữa" cho một số trường hợp khẳng định không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn. 

Các bác sĩ sẽ đo đạc bằng cách test carbonhydrat, tức là sẽ cho uống một lượng gluco nhất định, sau đó định lượng lại nồng độ cồn trong máu theo khoảng thời gian nhất định. Nếu kết quả thấy nồng độ cồn xuất hiện và tăng lên thì đó rất có thể là hiện tượng cồn nội sinh. Ngược lại, nếu không xuất hiện nồng độ cồn qua bài test sẽ không phải là trường hợp có nồng độ cồn nội sinh.

nong do con
Nhiều chuyên gia nhận định không uống rượu, bia vẫn có nồng độ cồn chỉ xảy ra với tỷ lệ rất nhỏ

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho hay, dù có thể kiểm tra được nhưng khi bạn bị thổi dương tính nồng độ cồn cũng khó áp dụng trên thực tế để bào chữa. Giải pháp là nên quy định một ngưỡng nồng độ cồn để phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mọi người. Việc không uống rượu, bia vẫn có nồng độ cồn chỉ xảy ra với tỷ lệ rất nhỏ nên bạn không cần quá lo lắng.

Bộ Y tế đang tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nồng độ cồn nội sinh trong bối cảnh Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông. Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt. Một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh hoặc phát sinh do ăn một số thực phẩm...

Đại diện Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá lo ngại về nồng độ cồn nội sinh, bởi tình huống này rất hy hữu, do bệnh lý hoặc cơ địa của từng người, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối. Khi có ý kiến của WHO và các chuyên gia về cồn nội sinh, Bộ sẽ có những kiến nghị, hoặc có thể sửa đổi cho phù hợp.

Cùng chuyên mục