Nở rộ app công nghệ bất động sản: Rời rạc và đơn điệu
Ứng dụng (app) công nghệ về bất động sản hiện nay vẫn còn khá rời rạc, đơn điệu. Nhưng để tạo ra một app công nghệ có tích hợp đầy đủ công năng không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp công nghệ - bất động sản phải đầu tư dài hơi, nắm vững thị trường.
80% giao dịch bất động sản chốt qua online
Giai đoạn kỷ nguyên số hóa với sự phát triển, hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ mới đã và đang làm thay đổi mọi hoạt động của nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài “vòng xoáy”, ứng dụng công nghệ nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản.
Hiện nay, theo thống kê, hơn 80% các giao dịch bất động sản được thực hiện qua môi trường online. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam bắt đầu được số hóa. Ứng dụng công nghệ bất động sản trở thành một phần không thể thiếu của thị trường bất động sản. Công nghệ mới giúp hoạt động kinh doanh bất động sản chuyển dịch theo xu hướng tích cực, với việc rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản.
VARS thông tin thêm, tại nhiều nước trên thế giới, công nghệ bất động sản đã có những bước tiến thần tốc, với hàng loạt ứng dụng AR, VR (thực tế ảo) hoặc các phần mềm thông minh giúp cho khách hàng tìm kiếm bất động sản một cách chủ động hơn. Nếu như trước đây, khách hàng phải trực tiếp đến gặp nhân viên để được tư vấn, tìm hiểu các cơ chế chính sách bán hàng, khuyến mãi… thì nay có thể nhận đầy đủ thông tin qua một “click” chuột. Việc ký hợp đồng cũng đơn giản hơn nhờ môi trường công nghệ số.
Trước xu thế chung của toàn cầu, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư, môi giới bất động sản ở Việt Nam cũng đã tìm cách tương tác với người mua qua các ứng dụng công nghệ, nền tảng số, website bất động sản… Số lượng người tương tác qua những nền tảng trên cũng không hề nhỏ.
Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay, mạng xã hội cũng trở thành một nền tảng quan trọng hỗ trợ bán bất động sản và tiếp cận khách hàng. Điển hình như thời gian gần đây, mạng xã hội TikTok trở thành kênh kinh doanh bất động sản phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thuật toán của TikTok đề cử những video theo sở thích của người dùng giúp môi giới bất động sản nhanh chóng xác định đối tượng khách hàng tiềm năng. Do vậy, hàng nghìn giao dịch có thể được kết nối thông qua ứng dụng này. Các giao dịch xuất phát từ tài khoản TikTok thậm chí có trường hợp chiếm toàn bộ công việc kinh doanh của một số môi giới.
VARS đánh giá, ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đã được doanh nghiệp khởi xướng và tạo nền tảng, với sự tham gia tích cực của nhà môi giới cá nhân. Nhiều ứng dụng chuyên biệt cho lĩnh vực bất động sản ra đời, hỗ trợ rất tích cực cho công việc của nhà môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và phát triển bất động sản.
App công nghệ BĐS còn nghèo nàn
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về công nghệ bất động sản, vẫn chưa có một ứng dụng chuyên sâu nào về hoạt động môi giới có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Anh Nguyễn Nam, một môi giới bất động sản nói rằng các ứng dụng công nghệ về bất động sản hiện nay vẫn còn khá rời rạc, đơn điệu, chưa có tính tích hợp. Có thể đó chỉ là một app chuyên về giới thiệu đất nền hoặc một website thuần túy về mua bán đất dự án. Cái khách hàng cần là một app công nghệ có tích hợp đầy đủ về sản phẩm, chính sách bán hàng, khuyến mãi, quy hoạch….
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhận định việc áp dụng công nghệ trong ngành bất động sản rõ ràng sẽ cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm tốt hơn. Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về bất động sản, tương tác trực tiếp với môi giới qua các ứng dụng di động, truy cập vào thông tin cập nhật và đánh giá từ người dùng khác. Ngoài ra, công nghệ còn giúp giám sát, xác minh và bảo mật thông tin. Việc sử dụng các công nghệ có thể tăng cường tính toàn vẹn, an ninh trong quá trình giao dịch, giảm thiểu rủi ro và gian lận.
“Nhưng để tạo ra một app công nghệ có tích hợp đầy đủ công năng và yêu cầu như vậy không phải là vấn đề đơn giản. Nó đòi hỏi doanh nghiệp công nghệ - bất động sản phải có sự đầu tư dài hơi, nắm vững thị trường”, ông Đính nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đính, cùng với sự nở rộ của các app công nghệ về bất động sản thì quản lý nhân sự môi giới, chăm sóc - tư vấn khách hàng… cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu”. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn quy tụ hàng ngàn môi giới, giao dịch viên trên cả nước cũng đã sáng tạo ra các phần mềm quản lý. Tuy nhiên, hiệu quả của những app này chỉ dừng lại ở từng đơn vị nhỏ, không có sự kết nối thông suốt giữa các doanh nghiệp - vùng miền.
Ngay tại VARS, thành lập vào năm 2015, trải qua hơn 8 năm hình thành thành và phát triển, ông Đính cho biết VARS quy tự hơn 300 hội viên tổ chức doanh nghiệp kinh doanh dịch môi giới bất động sản và khoảng 10.000 hội viên khắp cả nước. Tuy có sự phát triển nhanh chóng về số lượng hội viên tham gia nhưng việc kết nối giữa các thành viên trong hội vẫn còn hạn chế, gây ra một số khó khăn trong quản lý và thực hiện các giao dịch bất động sản. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ trong hoạt động môi giới bất động sản cũng chưa đạt được sự tối ưu và hiệu quả cao.
TS. Lê Bá Chí Nhân đánh giá hệ sinh thái công nghệ cho bất động sản là rất cần thiết, nếu không đầu tư ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng tụt hậu, không khai thác hết được khách hàng. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi không hề dễ dàng. Khó khăn đầu tiên và lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng chưa hỗ trợ tốt cho các ứng dụng công nghệ, các đơn vị tham gia còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp bất động sản chưa hiểu rõ về công nghệ, đơn vị công nghệ lại không hiểu về công việc đặc thù của ngành bất động sản.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công nghệ rất lớn và không phải nhà kinh doanh nào cũng chấp nhận vì tại Việt Nam, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, dữ liệu của lĩnh vực bất động sản còn thiếu, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến địa phương và cả chủ đầu tư.
Nếu muốn tiến vào kỷ nguyên số, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng đầu tiên phải thay đổi dần nhận thức của các chủ thể về vai trò của ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bất động sản. Tiếp đến, doanh nghiệp cần một lộ trình trung và dài hạn nhằm xây dựng nền móng công nghệ vững chắc, phải chọn đúng công nghệ đáp ứng nhu cầu và lộ trình phải qua từng giai đoạn giúp các doanh nghiệp bất động sản từng bước nâng cao năng lực công nghệ. Chi phí ứng dụng công nghệ với một doanh nghiệp rất lớn, nếu không có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau sẽ khó đầu tư, áp dụng; đồng thời, cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan nhà nước.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính khuyến nghị, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, nhận thức trong các chiến lược hoạt động kinh doanh của mình; trong đó công nghệ phải là yếu tố bắt buộc. Các nền tảng bất động sản công nghệ phải hướng đến mục tiêu vì cộng đồng, vì thị trường, đảm bảo tính công khai và minh bạch. Đồng thời, nhà nước cần có cơ chế rõ ràng về phát triển công nghệ, có quy định về xử lý thông tin; cần mã hóa bất động sản để theo dõi biến động thị trường.
- 4 bước để người dân ngồi nhà vẫn có thể tích hợp giấy phép lái xe vào ứng dụng VNEID
- Quảng cáo - Cuộc chiến mới của các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn Mỹ
- 5 dự đoán về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong năm 2024
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/5: Nên gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng nào?
- Giá xe Honda SH Mode tháng 5 đang ở mức siêu hấp dẫn, có nên chốt đơn?
- Quảng cáo mỹ phẩm không phép, công ty phân phối sữa rửa mặt Innisfree bị phạt nặng
- Hyundai Accent 2024: Diện mạo 'lột xác' hoàn hảo, hứa hẹn bùng nổ doanh số
- Biệt thự, liền kề khu vực này của Hà Nội đang trở thành 'hàng hiếm', hàng triệu người săn đón
- Từ 1/6, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế Hà Nội