Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 13/08/2023, 06:54 (GMT+7)

12 sai lầm khi đánh răng khiến bạn dễ bị sâu răng, viêm nướu

Đánh răng là hoạt động thường ngày của mỗi người, tuy nhiên nếu thực hiện sai cách sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng như sâu, viêm nướu, viêm nha chu,..

Vệ sinh răng là hoạt động tưởng như đơn giản nhưng nếu thực hiện không khoa học, sức khỏe răng miệng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Dưới đây là những sai lầm thường gặp phải khi đánh răng cần được điều chỉnh:

1. Không đánh răng đầy đủ thường xuyên

Không ít người quên hoặc không có thói quen đánh răng vào buổi tối. Đây là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi sau một đêm dài nghỉ ngơi. Do vậy, bạn cần đánh răng đủ 2 lần sáng và tối mỗi ngày để loại bỏ hiệu quả các vi khuẩn và mảng bám.

danh-rang 1
Cần đánh răng đủ 2 lần sáng và tối mỗi ngày để loại bỏ hiệu quả các vi khuẩn và mảng bám (Ảnh: Freepik)

2. Thời gian đánh răng quá nhanh

Vào mỗi buổi sáng bận rộn, nhiều người thường nhanh chóng vệ sinh răng miệng mà không lưu ý đến thời gian làm sạch cần thiết.

Theo lời khuyên của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, mỗi cá nhân nên đánh răng tối thiểu 2 phút/lần để loại bỏ các mảng bám hiệu quả. Đối với những người niềng răng, cầu răng hoặc cấy ghép,.. hãy dành thêm nhiều thời gian hơn để làm sạch nhẹ nhàng xung quanh khu vực có thức ăn mắc kẹt.

3. Đánh răng không đúng lúc

Đánh răng ngay sau khi ăn đặc biệt có hại cho sức khỏe răng miệng. Trong 20 - 30 phút đầu sau ăn, miệng vẫn còn nhiều axit và men răng bị yếu đi. Nếu đánh răng lúc, nguy cơ mòn men răng rất dễ xảy ra.

Việc có ít men răng sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và gây ra nhiều bệnh răng miệng như sâu, nhiễm trùng. Do đó, hãy đợi ít nhất là 30 phút sau ăn mới đánh răng. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể dùng nước súc miệng để trung hòa axit. 

4. Đánh răng không đúng cách

Việc đặt bàn chải lên răng rồi kéo qua lại trên bề mặt răng là cách làm không đúng.

Theo đó, phương pháp đánh răng đúng là đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với nướu rồi thực hiện chuyển động tròn nhỏ, di chuyển từ răng này sang răng khác bằng hướng từ trên xuống dưới và trong ra ngoài.

danh-rang 3
Chải răng nghiêng một góc 45 độ theo hướng từ trên xuống dưới và trong ra ngoài (Ảnh: Freepik)

Cách đánh này có thể áp dụng cho bề mặt bên ngoài, bên trong, mặt trên và mặt nhai của răng. Để tiếp cận tốt hơn, nên dùng tay trái để chải răng phía bên phải và ngược. 

5. Chỉ chú trọng một phần răng

Có không ít người chỉ chú trọng làm sạch vùng răng cửa ở trung tâm hoặc mặt trước của răng vì đây là phần dễ quan sát và tiếp cận nhất. Tuy nhiên hãy lưu ý, phần đỉnh và mặt trong của răng (phần tiếp xúc với bên trong miệng) cũng dễ bị tổn thương và bị vi khuẩn xâm nhập. Bởi vậy, cần phải đảm bảo làm sạch răng kỹ càng tất cả các vùng. 

6. Chà xát răng quá mạnh

Khi dùng bàn chải thông thường hay bàn chải điện, cách làm sạch hiệu quả răng miệng là đánh nhiều lần chứ không phải dùng lực mạnh. Việc chà xát mạnh sẽ dễ làm mòn men răng, gây tình trạng tụt hay co rút nướu, lợi.

7. Dùng lượng kem đánh răng không phù hợp

Đánh răng nhưng dùng lượng kem quá ít sẽ dễ gây tróc men răng. Ngược lại, nếu dùng lượng quá nhiều cũng sẽ gây hại cho răng. 

danh-rang
Sử dụng lượng kem phù hợp để vừa làm sạch vừa bảo vệ răng (Ảnh: Freepik)

Florua có trong kem đánh răng là một khoáng chất, nếu dùng lượng quá nhiều sẽ có khả năng làm thay đổi cấu trúc và hình dạng của răng.

8. Không chải sạch phần lưỡi

Lưỡi là bộ phận thường xuyên di chuyển lúc nói, ăn uống nên dễ là môi trường cho vi khuẩn ẩn náu. Nếu chỉ đánh răng mà không làm sạch bộ phận này, nguy cơ hôi miệng, sâu răng và viêm nướu cũng có thể xảy ra.

Bạn nên sử dụng bàn chải để chà nhẹ nhàng trên bề mặt lưỡi, làm sạch từ trong ra ngoài trong mỗi lần đánh răng.

9. Sử dụng loại bàn chải không phù hợp

Nhiều người vì muốn tiết kiệm mà sử dụng các loại bàn chải có giá thành rẻ. Tuy nhiên, về chất lượng của chúng lại khó đảm bảo, khi sử dụng lâu dài sẽ gây ra nhiều tác hại.

Bạn nên lựa chọn những loại bàn chải có nhiều sợi mỏng, mềm để dễ dàng làm sạch sâu các kẽ mà không gây tổn thương răng. 

danh-rang 2
Nên lựa chọn những loại bàn chải có nhiều sợi mỏng, mềm (Ảnh: Freepik)

10. Bảo quản bàn chải sai cách

Sau mỗi lần sử dụng, cần làm sạch bàn chải kỹ càng, đồng thời cất giữ nơi khô ráo để tránh ẩm mốc tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ. 

Ngoài ra, nếu để chung cùng các bàn chải khác, hãy hạn chế việc chúng chạm vào nhau. Bên cạnh đó, đừng đậy nắp hoặc bảo quản trong hộp đựng khi nó còn ướt để tránh vi khuẩn sinh sôi. 

11. Không thay bàn chải thường xuyên

Thông thường, tuổi thọ của một chiếc bàn chải là khoảng từ 3 - 4 tháng. Sau một thời gian dài sử dụng, bàn chúng sẽ bị sờn, rụng lông và giảm hiệu quả làm sạch. Bởi vậy, cần thay bàn chải đánh răng thường xuyên.

12. Không dùng chỉ nha khoa hay tăm nước

Ăn uống có thể để lại nhiều mảng bám, thực phẩm thừa dắt răng. Nếu bạn chỉ đánh răng kỹ mà không dùng thêm chỉ nha khoa hay tăm nước sẽ rất dễ bỏ sót các cặn thức ăn, mảng bám gây sâu răng. 

Cùng chuyên mục