Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 27/09/2024, 09:43 (GMT+7)

Những nguyên nhân gây ra biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) ngày càng tăng. Ngoài nguyên nhân đến từ các cơ sở không có giấy phép còn có lý do nào khác?

Gửi sinh mạng vào những cơ sở không phép

Trong vài tháng gần đây, nhiều bệnh nhận bị biến chứng sau PTTM được chuyển đến các bệnh viện lớn tại TP.HCM điều trị, để giữ lại mạng sống.

Chẳng hạn trong tháng 7/2024, một bệnh nhân nữ đến thẩm mỹ viện DV.SG (quận 10, TP.HCM) để làm thủ thuật thẩm mỹ vùng kín. Kết quả là bệnh nhân bị ngất xỉu và phải vào Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Cùng ngày, bệnh nhân nữ khác sau khi đến thẩm mỹ viện P (quận 3, TP.HCM) để hút mỡ bụng thì cảm thấy khó thở. Người này được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị với tình trạng suy hô hấp, chẩn đoán do tổn thương phổi và tắc mỡ.

IMG_1598
Bác sĩ Annie Nguyễn - CEO Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Annie (quận 10, TP.HCM) kiểm tra cho người bệnh sau phẫu thuật thẩm mỹ

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 300.000 ca PTTM. Trong đó, tỉ lệ biến chứng trên 10%. Theo các chuyên gia trong ngành, biến chứng sau PTTM không chỉ từ phẫu thuật, mà các phương pháp khác như tiêm filler, laser, tiêm botox... đều có nguy cơ. PGS.TS Lê Hữu Doanh -  Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận xét, biến chứng (hoặc tai biến) xảy ra chủ yếu do khách hàng thực hiện các thủ thuật tại cơ sở không rõ đăng ký. Đặc biệt, nhân viên thực hiện PTTM không phải là bác sĩ.

Còn bác sĩ Annie Nguyễn - CEO Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Annie (quận 10, TP.HCM) cho rằng, làm đẹp bằng PTTM hiện được xem là một nhu cầu thiết yếu. Song, dù là nhu cầu chính đáng, phái đẹp cũng đừng giao hết sức khỏe và sự an toàn cho các “thợ mổ”.

IMG_1600
Bác sĩ Annie Nguyễn - CEO Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Annie

Theo bác sĩ Annie Nguyễn, để làm đẹp an toàn, khách hàng cần đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Khách hàng cần hiểu là, các cơ sở làm đẹp có 3 loại: spa (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu…), cơ sở phun xăm thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Chỉ có các phòng khám chuyên khoa, bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa mới được phẫu thuật. Để xác định đâu là nơi được phép phẫu thuật, khách hàng chỉ cần yêu cầu cơ sở trưng ra giấy phép hành nghề (khác với giấy phép kinh doanh) do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp.

Spa liều 1, khách liều 10

Các biến chứng sau PTTM đa phần đều do các cơ sở không có giấy phép thực hiện, như spa hay cơ sở phun xăm. Nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, không ít khách hàng đã tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm.

Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Annie bắt đầu hoạt động từ năm 2019. Lúc ấy, bác sĩ Annie cho biết, tỉ lệ xử lý ca lỗi tại phòng khám này là 30%. Nhưng trong thời gian gần đây, 60% khách hàng tìm đến phòng khám này là các ca biến chứng sau PTTM. “Nhìn thấy khách hàng giao cơ thể và tính mạng mình cho các thợ mổ đến mức biến chứng nặng, những người làm trong ngành y như chúng tôi không khỏi xót xa. Nguyên nhân của những trường hợp đau lòng đó đều xuất phát từ việc khách hàng ham giá rẻ mà gửi niềm tin nhầm chỗ”, bác sĩ Annie Nguyễn bộc bạch.

IMG_1599
Bác sĩ Annie Nguyễn, để làm đẹp an toàn, khách hàng cần đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

Hiện nay, cơ sở làm đẹp tận dụng sự phát triển của các nền tảng kĩ thuật số để quảng bá hình ảnh và thu hút khách hàng. Những cơ sở không phép về PTTM như spa hay phun xăm thì hút khách hàng bằng giá rẻ, có nơi báo giá chỉ bằng 30-50% giá tại các phòng khám chuyên khoa. Chính vì ham rẻ mà khách hàng lờ đi các yếu tố an toàn.  

Bác sĩ Annie Nguyễn kể, nhiều khách hàng gặp bác sĩ ở Annie nhờ tư vấn và thừa nhận rằng, giá làm PTTM ở một số spa thấp hơn ở Annie. Họ còn khăng khăng là ngoài yếu tố giá rẻ, spa còn làm đẹp hơn phòng khám chuyên khoa. Vị bác sĩ này nói, đây là một nhìn nhận nguy hiểm, có thể đưa chính khách hàng vào tình thế nguy kịch.

Bởi lẽ, một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật phải mất hơn 11 năm học và thực hành mới được cầm dao mổ (hành nghề phẫu thuật). Ngoài ra, phải trải qua 3 năm hành nghề nữa mới đủ điều kiện xin giấy phép thành lập phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Đặc biệt, quá trình hành nghề phải liên tục trong 54 tháng. Trong khi đó, các cơ sở không có giấy phép (spa, phun xăm) chỉ cần đi học một khóa cấp tốc một tuần đến một tháng là có thể chèo kéo và đưa khách hàng vào bẫy. Tất nhiên, các khóa học này “dạy chui” và không được cơ quan y tế nào công nhận.

Do đó, để đảm bảo sức khỏe và sinh mạng mình, khi có nhu cầu làm đẹp, khách hàng nên đến các cơ sở có giấy phép (như phòng khám chuyên khoa, bệnh viện có khoa thẩm mỹ hoặc bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ). Ngoài ra, theo bác sĩ Annie Nguyễn, giá các dịch vụ thẩm mỹ tại các phòng khám chuyên khoa hiện nay đã giảm nhiều so với những năm trước, các hình thức thanh toán cũng đa dạng hơn (từng phần hoặc trả góp). Nhờ vậy, khách hàng có thể đảm bảo sức khỏe mà chọn được dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả.

Cùng chuyên mục