Những điều bạn nên biết khi tới Côn Đảo
Bên cạnh du lịch tâm linh, về nguồn, Côn Đảo cũng là điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng biển cho du khách tới khám phá và trải nghiệm trong mùa hè.
Huyện Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu, rộng 76 km2 bao gồm 16 hòn đảo và lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185km, cách TPHCM 230km, cách Cần Thơ khoảng 83km.
Thời điểm thích hợp để đến Côn Đảo
Thời điểm đẹp nhất để đi Côn Đảo là từ tháng 3 đến tháng 9. Đây thời điểm mùa khô và đầu mùa mưa, thời tiết khô ráo, mát mẻ. Biển lúc này cũng khá êm, hoàn hảo cho các chuyến đi khám phá đảo, tắm hay lặn biển. Đặc biệt, vào giai đoạn tháng 7 - tháng 9, rùa biển sẽ vào mùa sinh sản và xem rùa đẻ trứng chính là một trải nghiệm khó quên tại Côn Đảo đó.
Địa điểm tham quan tại Côn Đảo
Khám phá thiên nhiên hùng vĩ
Hòn Bảy Cạnh
Có diện tích lớn thứ hai tại Côn Đảo, hòn Bảy Cạnh là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn và lặn ngắm san hô.
San hô đa dạng về chủng loại, một số loài được đánh dấu vào sách đỏ của Việt Nam. Chiều xuống, du khách có thể lên ngọn hải đăng nằm ở phía Đông Bắc của hòn Bảy Cạnh để thu vào tầm mắt biển trời trong xanh.
Bãi Đầm Trâu
Đây được xem là bãi biển đẹp nhất Côn Đảo với không khí trong lành và hệ san hô đa sắc màu. Cách trung tâm đảo khoảng 14km về phía Bắc, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn khá hoang sơ. Đến đây, bạn có thể tham gia một số trò chơi dưới biển như lặn biển, chèo thuyền,...
Bãi Nhát
Bãi Nhát thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, yên bình hiếm có với bãi cát phẳng mịn chỉ xuất hiện vài giờ trong ngày khi thuỷ triều xuống. Bên cạnh đó là đỉnh Tình Yêu, có hình dáng đôi tình nhân quấn quýt bên nhau, thích hợp cho các cặp đôi check-in.
Bãi An Hải, bãi Cầu Tàu là các bãi tắm ở trung tâm đảo lớn, có bãi cát trắng mịn, biển lặng sóng, nơi đông người địa phương đến tắm.
Vịnh Đầm Tre nằm ở phía bắc đảo, kín gió, có rừng ngập mặn bao bọc xung quanh, là nơi chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác. Trên đường đi, du khách có thể dừng ngắm hoặc tắm tại bãi biển Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc...
Mũi Tàu Bể nằm trên con đường độc đạo từ sân bay về thị trấn, được bao bọc bởi những phiến đá dựng đứng tạo thành vòng cung ôm biển. Nơi đây là điểm chụp ảnh "sống ảo" kiểu mạo hiểm, đồng thời được coi là nơi ngắm bình minh đẹp nhất Côn Đảo.
Nếu bạn du lịch Côn Đảo vào mùa gió chướng, hãy chuyển hướng sang những điểm đến phía Tây và Tây Nam.
Bãi Ông Đụng hoang sơ, phù hợp để dã ngoại, nghỉ dưỡng, sinh hoạt tập thể. Từ đây du khách có thể thuê cano của trạm kiểm lâm tham quan các đảo lân cận như Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ.
Hòn Tre Nhỏ cách bãi Ông Đụng 2 km, có hệ thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên đặt thành tên. Nơi đây là sân chim trên biển, từ tháng 5 – 9 sẽ có hàng nghìn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như nhàn mào, hải âu, các loài nhạn biển... Du khách có thể đi cano ra đảo để xem san hô, xem chim biển, câu cá giải trí.
Hòn Tre Lớn có bãi cát trắng mịn, tập trung nhiều rùa biển lên đẻ trứng (xếp thứ hai sau bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh).
Rừng nguyên sinh Ông Đụng, Núi Chúa là nơi trekking đẹp. Từ Côn Đảo, bạn đi về phía Tây, trải nghiệm chuyến trekking khoảng một giờ băng qua rừng nguyên sinh, dẫn đến bãi biển cuối rừng. Vé vào cổng Vườn quốc gia Côn Đảo có giá 60.000 đồng một người.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan, tìm hiểu thêm về quy trình nuôi cấy ngọc trai ở các trại nuôi trai và mua những sản phẩm từ ngọc. Côn Đảo còn một số đảo nhỏ ngoài khơi khác như Hòn Bà, Hòn Trứng (Hòn Đá Bạc), Hòn Vung (Phú Vinh), Hòn Anh, Hòn Em... tuy nhiên chưa khai thác dịch vụ du lịch.
Tham quan di tích lịch sử và các điểm đến tâm linh
Nhà tù Côn Đảo
Đây là nơi từng biết đến như “địa ngục trần gian” được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ những người tù chính trị, cách mạng hoạt động trong thời gian trước. Nhà tù được đánh giá nằm trong top 10 nhà tù tàn khốc nhất trên thế giới.
Khi đến tham quan nhà tù Côn Đảo du khách không nên bỏ lỡ việc ghé thăm khu biệt lập Chuồng Cọp. Tù nhân bị giam giữ trong căn phòng 5m2, nằm dưới nền xi măng ẩm thấp và thường xuyên bị tra tấn. Bên trên Chuồng Cọp là những song sắt để cai ngục quan sát, nếu tù nhân bên dưới có bất cứ sự phản kháng nào thì cai ngục sẽ rắc bột vôi xuống hoặc chọc xào xuống để răn đe.
Hiện nay nhà tù Côn Đảo là top địa danh nổi tiếng tại Côn Đảo, thu hút khoảng 50.000 lượt khách đến tham quan. Nơi đây là một điểm đến ý nghĩa, thiêng liêng để có thể nhìn thấy được lòng yêu nước và ý chí của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Dinh Chúa Đảo
Dinh chúa đảo một di tích lịch sử gắn liền theo năm tháng không dễ bị ăn mòn bởi thời gian, một bộ máy cai trị kinh hoàng không thể nào xóa mờ đi được và là một điểm đến để tô thêm cho những kiến thức về lịch sử mà các du khách đi du lịch Côn Đảo sẽ được mở rộng tầm nhìn.
Các du khách đi du lịch Côn Đảo thường coi Dinh chúa đảo là một địa điểm không thể thiếu trong chuỗi hành trình khám phá của họ, công trình còn được biết đến với cái tên Dinh ông lớn, Dinh tỉnh trưởng…. Hình thành vào khoảng những năm 1862 - 1876 cùng với các cơ sở hạ tầng sẵn có lúc bấy giờ trên đảo. Chiếm tổng diện tích 18.600m2, bao gồm: Nhà chính, nhà phụ và sân vườn…Nơi đây chính là nơi ở của 53 đời Chúa đảo, trải qua 113 năm (1862-1975). Trong đó 92 năm dưới thời thực dân Pháp với 39 đời chúa đảo và 12 năm thời đế quốc Mỹ với 14 đời chúa đảo đã sống và làm việc. Một đầu não trung tâm của hệ thống nhà tù, được điều hành dưới quyền điều khiển của Chúa đảo.
Tại đây chúng đã đề ra các chính sách, biện pháp hà khắc để đàn áp, tra tấn dã man đối với người tù. Ngày nay, căn nhà ấy được dùng làm nơi trưng bày tội ác của chúng.Trong số 53 đời Chúa đảo, có những tên mà sự tàn ác của chúng đồng nghĩa với chế độ giết người – nơi mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, mà tên chúa đảo Andouard thời Pháp là một trong số đó.
Cầu Ma Thiên Lãnh
Cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng năm 1930. Thực dân Pháp mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng nhằm khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở…và lập nên những trạm kiểm soát đề phòng tù nhân vượt ngục.
Tù nhân làm khổ sai ở đây, do địa thế cheo leo hiếm trở, ăn uống thiếu thốn đói khát, nước suối lại rất độc, bị đá đè cây đổ, lao dịch nặng nhọc quá sức,cai ngục trật tự đánh đập, hối thúc... Mới xây dựng xong 2 mố cầu đã có 356 người chết (đây chỉ là con số ước lệ do người tù nhẫm tính).
Cái tên Ma Thiên Lãnh để gọi cho 2 mố cầu xây dang dở bằng máu xương của hàng trăm tù nhân. Từ đó người tù mới lấy tên ngọn núi Ma thiên Lãnh ở Triều Tiên với địa thế hiểm ác, khó lên xuống, phỏng theo truyện Tàu “Tiết Nhân Quý Chinh Đông” đặt tên cho cây cầu này.
Nghĩa trang Hàng Dương
Ngày 19/12/1992, nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công xây dựng, cải tạo khuôn viên khoảng 20 ha và có tu bổ hàng năm. Có 1.913 ngôi mộ tập chia thành 4 khu A, B, C, D. Trong đó khu vực A, B, C là các nghĩa trang cũ, và D là diện tích khu mộ mới được thiết lập. Trong số 1.913 ngôi mộ trong các ngôi mộ nghĩa trang chỉ 793 có tên địa chỉ cụ thể, số còn lại là những ngôi mộ vô danh. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, ngôi mộ của ông Lê Hồng Phong, Nữ anh hùng Võ Thị Sáu …. Điều đặc biệt có lẽ chỉ có ở nghĩa trang Hàng Dương đó là càng về đêm muộn du khách sẽ đến nghĩa trang để thắp nhang càng đông. Đèn chiếu sáng ở khắp mọi nơi và trước mỗi ngôi mộ có một ngọn đèn nhỏ như nến để làm cho nghĩa trang Hàng Dương trở nên lấp lánh. Âm nhạc nhẹ nhàng phát ra từ chiếc loa nhỏ nằm rải rác đâu như một bản giao hưởng ru ngủ ngàn đời của anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước tại đây.
Đến thăm nghĩa trang Hàng Dương thiêng liêng về đêm được xem là hoạt động tồn tại lâu đời ở Côn Đảo do gắn liền với ngôi mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương.
Miếu bà Phi Yến
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, bà Phi Yến đã được hai con vật rất khôn ngoan, trung thành cứu sống, đó là vượn bạch và hắc hổ. Chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống nơi có nấm mộ hoàng tử Hội An. Dân làng Cỏ Ống hay tin đã dựng cho bà một ngôi nhà ở gần đó để tiện bề lui tới bên nấm mộ của con trai mình.
Tháng 10 (Âm Lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, tại làng An Hải bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà giở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.
Bảo tàng Côn Đảo
Bảo tàng Côn Đảo được khởi công xây dựng, ngày 6/12/2009, với nguồn hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội cùng với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hoàn thành ngày 10/10/2010 là một trong những công trình chào mừng kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bảo tàng nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần di tích Chuồng Cọp Pháp, trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, diện tích xây dựng 3.570 m2, diện tích trưng bày 1.700m2.
Bảo tàng Côn Đảo trưng bày gồm 01 gian khánh tiết và 04 chủ đề:
Chủ đề 1: Côn Đảo thiên nhiên con người
Chủ đề 2: Côn Đảo địa ngục trần Gian
Chủ đề 3: Côn Đảo trận tuyến, trường học
Chủ đề 4: Côn Đảo ngày nay
Ngoài ra bảo tàng còn có một phòng trưng bày, triển lãm chuyên đề.
Gian khánh tiết là một cụm tượng bằng chất liệu inox cao 6m thể hiện khí phách hiên ngang của người Cộng sản với khát vọng tự do, cánh tay vươn cao phá tan xiềng xích gắn liền với hình tượng cánh chim bồ câu hòa bình
Đặc sản
Mứt hạt bàng
Mứt hạt bàng là món đặc sản Côn Đảo đầu tiên mà du khách có thể lựa chọn một cách dễ dàng tại nhiều nơi. Tại Côn Đảo thì bàng là một loại cây rừng, trái và lá to. Trái bàng được thu hoạch khi đến mùa và tách lấy hạt, sau đó đem hạt đi rang với muối hay đường tạo nên món mứt hạt bàng. Mứt hạt bàng khi dùng có vị rất ngon, béo, bùi và rất thơm.
Cá thu một nắng
Sau khi được đánh bắt, cá thu sẽ được sơ chế, làm sạch, cắt khúc rửa lại với nước muối và đem phơi khô dưới nắng 1 ngày. Cá thu một nắng có thể mua về để làm quà hay chế biến thành các món như nướng, chiên, kho,...
Yến sào
Ngoài thế mạnh về hải sản, Côn Đảo còn là địa điểm làm tổ của rất nhiều chim yến. Chính vì thế mà Yến Sào đã trở thành một đặc sản nổi tiếng tại đây, có rất nhiều món yến như: Yến sào, yến nước, yến khô,... Xét về độ bổ dưỡng thì không còn gì phải bàn cãi.
Cua mặt trăng Côn Đảo
Là loại cua vô cùng đặc biệt với phần mai có các chấm màu đỏ như hình mặt trăng. Thịt cua Mặt Trăng ngon vô cùng, thịt ngọt, săn chắc, giàu chất khoáng và lại nhiều thịt. Cua có thể đem luộc, xào, nướng, hấp tuỳ sở thích du khách.
Sá Sùng
Sá Sùng là thuộc hàng đặc sản Côn Đảo vừa hiếm vừa đắt, chúng vô cùng khó đánh bắt và chỉ xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 7. Sá sùng rất giàu chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ăn như làm gỏi, nấu cháo, xào rau hay nướng,... Sá Sùng có vị béo, dai dai, bùi và cực kỳ bổ dưỡng. Giá cho Sá sùng Côn Đảo hiện nay có thể dao động đến 3-4 triệu/kg khi mua.
Cá Mú Đỏ Côn Đảo
Loài cá này thường sinh sống tại các rạn san hô và giá thành cũng cực kỳ đắt đỏ. Nhưng “tiền nào của nấy”, cá Mú Đỏ sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao phù hợp cho những người suy dinh dưỡng, trẻ em bị còi, người gầy, thai nhi chậm phát triển, người suy nhược cơ thể,... Cá Mú Đỏ có thể chế biến thành nhiều món như làm gỏi, hấp xì dầu, lẩu cá,... Thịt cá rất dai và ngọt nên cực kỳ xứng đáng khi thưởng thức.
Rượu sâm Côn Đảo
Rượu Sâm nổi tiếng với giá trị dinh dưỡng cao và là đặc sản Côn Đảo không thể bỏ qua. Rượu sử dụng nguyên liệu chính là từ củ sâm lâu năm được trồng tại chính vùng đất Côn Đảo.
Tôm hùm đỏ Côn Đảo
Tôm hùm đỏ Côn Đảo nổi tiếng thu hút nhiều thực khách với giá trị dinh dưỡng cao, thịt tôm dai, săn chắc, lại ngọt và thơm nên rất được ưa chuộng. Tôm hùm đỏ có thể dùng chế biến nhiều món nhậu như: Nướng, làm gỏi, hấp,..
Cách thức di chuyển
Bạn có thể đến Côn Đảo bằng hai phương tiện phổ biến hiện nay là máy bay hoặc tàu cao tốc.
Đối với máy bay, bạn sẽ mất từ 1-2 tiếng và giá vé dao động từ 1.200.000 - 2.000.000 vnđ/ chiều.
Đối với tàu cao tốc, đây là hình thức di chuyển có chi phí mềm hơn. Du khách từ Vũng Tàu có thể đặt vé đi từ cảng Cát Lở với giá trung bình 350.000 vnđ/ người/ lượt và sẽ mất 3-5 tiếng di chuyển. Hoặc nếu bạn đi từ tỉnh miền Tây, bạn có thể khởi hành tại Sóc Trăng với 2-3 tiếng đi tàu. Một số hãng tàu cao tốc đi Côn Đảo có thể tham khảo Superdong, Côn Đảo Express, Côn Đảo Greenlines,...