Nhiều người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số ô tô, Bộ Tư pháp nói gì?
Bộ Tư pháp cho biết đang sửa đổi Luật Đấu giá tài sản theo hướng tăng vai trò, trách nhiệm của người tham gia đấu giá.
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã hủy kết quả đấu giá đối với 6 biển số đẹp với số tiền trúng đấu giá tổng cộng hơn 71 tỷ đồng, đưa ra đấu giá lại vì các cá nhân trúng đấu giá đã bỏ cọc. Trong số này, có biển 51K-888.88 được trả giá hơn 32,3 tỷ đồng ngày 15/9.
Theo một số luật sư, chiếu theo các quy định về pháp luật, người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số xe không sai so với quy chế mà đơn vị đấu giá đưa ra. Pháp luật hiện hành không có chế tài nào khác ngoài việc thu giữ tiền cọc, Báo Giao thông thông tin.
Tại cuộc họp báo quý III/2023 của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí về việc một số trường hợp trúng đấu giá biển số xe ô tô với mức giá cao nhưng sau đó lại bỏ cọc, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa nhấn mạnh, bản chất của hoạt động đấu giá là tối đa hóa giá trị của tài sản. Vì vậy, nếu giá trị tài sản được trả giá càng cao, cuộc đấu giá càng được coi là thành công.
Theo bà Đặng Kim Hoa, Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô quy định tiền đặt trước ở mức tương đối cao, bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng.
Để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản còn có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của khách hàng, như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
Đặc biệt, người vi phạm quy định về đấu giá còn bị xử phạt hành chính, biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại. Như vậy, pháp luật đã quy định chế tài tương đối nghiêm khắc, đầy đủ.
Cũng theo báo Giao thông, các quy định hiện hành còn chưa đủ sức ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.
Trong đó tập trung giải quyết vấn đề tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan. Mục đích là đảm bảo công khai, minh bạch, tránh những tác động tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
Trước đó, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã tổ chức các phiên đấu giá biển số xe ô tô. Bên cạnh các trường hợp trúng đấu giá đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, vẫn còn những trường hợp trúng biển số đẹp với giá "khủng" nhưng sau đó bỏ cọc, ví dụ như biển số 51K-888.88 (TP HCM) giá trúng đấu giá là 32,34 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các biển số như 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỷ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỷ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỷ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỷ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỷ đồng), người trúng đấu giá đều bỏ cọc. Các biển số này sẽ được đưa ra đấu giá lại.