Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 21/09/2023, 11:09 (GMT+7)

Người trúng đấu giá biển số xe đẹp nhưng bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào?

Nhiều biển số xe ô tô đã được đấu giá thành công với số tiền trúng rất cao. Vậy, dư luận quan tâm rằng nếu trúng đấu giá nhưng bỏ cọc thì người trúng có bị xử phạt hay không?

Bộ luật dân sự 2015 quy định, tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản và cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Biển số trúng đấu giá có được coi là tài sản thừa kế?

Theo Nghị quyết 73/2022/NQ/QH15 quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô thì biển số này "không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá".

Đồng thời, khoản 3, điều 28 thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định về việc chuyển quyền sở hữu đối với xe gắn biển số trúng đấu giá như sau: “Tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, có thể hiểu, biển số xe trúng đấu giá sẽ được coi là di sản thừa kế của người sở hữu kèm theo xe chứ riêng biển số thì không được thừa kế. Ngoài ra, biển số kèm theo xe chỉ được sang tên một lần chứ không được sang tên đến lần thứ 2.

de7a537107a8123b496f64ebd120f4ad
Biển số 51K - 888.88 được mua với giá 32,34 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 6 Thông tư này cũng nêu rõ trách nhiệm của chủ xe “khi bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe (gọi chung là chuyển quyền sở hữu xe), chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe) và nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe, biển số xe để làm thủ tục thu hồi. 

Trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì chủ xe nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi.

Trúng đấu giá biển số xe ô tô nhưng bỏ cọc xử lý thế nào?

Trước việc biến số đẹp ô tô được trả giá ở mức cao, nhiều người băn khoăn không biết có ai bỏ cọc hay không và nếu bỏ cọc thì bị xử lý ra sao?

VOV thông tin, theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định rõ, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá. Số tiền này được trừ số tiền đặt cọc trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt trước 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày.

Cũng theo Nghị định 39 quy định, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

daugiabienso-16926701026741912614038
Người trúng đấu giá biển số xe ô tô nhưng bỏ cọc thì xử phạt thế nào?

Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.

Đồng thời, người trúng đấu giá biển số xe và đã nộp số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.

Sau thời hạn 12 tháng, người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký xe ôtô để gắn biển đã trúng đấu giá, thì biển số này sẽ được chuyển vào hệ thống quản lý, đăng ký xe và người trúng đấu giá sẽ không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp.

Cùng chuyên mục