Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 04/03/2024, 16:59 (GMT+7)

Nhiễm COVID-19 có làm giảm chỉ số IQ không?

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số IQ của con người có sự thay đổi sau khi bị nhiễm COVID-19.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học người Anh đăng tải trên tạp chí Y học New England mới đây, việc bị nhiễm COVID-19 ảnh hưởng chỉ số IQ (chỉ số thông minh). Các nhà khoa học đã nghiên cứu dựa trên kết quả bài kiểm tra trực tuyến để đánh giá khả năng nhận thức của 113.000 người Anh. Kết quả cho thấy, người bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ bị suy giảm khả năng nhận thức và trí nhớ kém cao hơn so với những người không bị nhiễm.

COVID-19
Tác động của COVID-19 thể hiện rõ rệt hơn với những người bị nhiễm nặng

Cụ thể, những người nhiễm COVID-19 đã hồi phục hoàn toàn có mức độ suy giảm nhận thức tương đương giảm 3 điểm chỉ số IQ so với những người chưa từng nhiễm COVID-19. Những người vẫn còn chịu các triệu chứng dai dẳng của COVID-19 thì chỉ số IQ giảm đến 6 điểm. Thậm chí, nhóm người nhiễm COVID-19 nặng và cần chăm sóc chuyên sâu có mức giảm chỉ số IQ lên tới 9 điểm. Ngoài ra, COVID-19 làm giảm thêm 2 điểm chỉ số IQ ở những người tái nhiễm so với các trường hợp không tái nhiễm.

Tuy nhiên, nghiên cứu ghi nhận những người mắc COVID-19 kéo dài có thể lấy lại một phần khả năng nhận thức và ghi nhớ, dần dần sẽ đạt đến mức độ tương đương với những người mắc COVID-19 nhưng đã khỏi hoàn toàn.

Trước đó, đã từng một thí nghiệm tại Mỹ nghiên cứu tác động của COVID-19 với trẻ em. Trong bài đăng trên Tạp chí Nhi khoa, Giáo sư dự bị Sean Deoni tại Phòng thí nghiệm Hình ảnh trẻ em tiên tiến thuộc Đại học Brown (Mỹ) cho biết, ông cùng đồng nghiệp đã so sánh đánh giá nhận thức của gần 700 trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi ở giai đoạn năm 2011-2019 so với 2020-2022.

Bài kiểm tra IQ cho trẻ em cho điểm số phổ biến nhất thường rơi vào mức 85-115. Nhưng sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu nhận thấy điểm số chỉ còn đạt trong mức 60-70. Ông Deoni chia sẻ, đó có thể là thay đổi căn bản xuất phát từ dịch COVID-19. 1.000 ngày đầu tiên kể từ khi còn là phôi thai đến lúc 2 tuổi đóng vai trò nền tảng trong định hình phát triển của trẻ. Mọi điều xảy ra trong khoảng thời gian này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe của trẻ.

Cùng chuyên mục