Người Việt tiêu thụ 8,5 tỷ gói mì ăn liền/ 1 năm: Tôm chua cay là vị phổ biến nhất
Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2022, đứng thứ 3 toàn cầu.
Thống kê của Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA), trong 3 năm trở lại đây (2020-2022), Việt Nam luôn được xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới. Trong báo cáo mới nhất, nước ta đứng vị trí thứ 3 về sản lượng tiêu thụ (sau Trung Quốc và Indonesia), nhưng xét về số lượng tiêu thụ mì ăn liền mỗi người Việt sử dụng trong một năm thì Việt Nam đứng đầu thế giới.
Cụ thể, năm ngoái, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ ba thế giới, sau Indonesia (14,26 tỷ gói) và Trung Quốc/Hong Kong (45,07 tỷ gói). Số lượng gói mì ăn liền được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trong năm 2022 đã giảm xuống so với năm trước đó, song tăng hơn gấp rưỡi so với 2019 (57%).
Xét theo đầu người, năm 2022, trung bình một người Việt có 85 lần (khẩu phần) ăn mỳ mỗi năm, tức cứ 4 ngày họ ăn một suất mỳ ăn liền. Tiếp đến là Hàn Quốc và Thái Lan trung bình một tuần (7 ngày) họ ăn một suất mì ăn liền. Mức tiêu thụ của mỗi người Việt Nam đã tăng đều đặn từ 55 phần vào năm 2019, lên 72 phần 2020 và 87 phần vào năm 2021.
Báo cáo của WINA đánh giá, nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền tập trung chủ yếu tại các quốc gia châu Á. Cụ thể, trong số 10 quốc gia có lượng tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất năm 2022, chỉ có duy nhất hai quốc gia nằm ngoài khu vực châu Á là Mỹ (vị trí thứ 6 – 5,15 tỷ gói) và Brazil (vị trí thứ 10 – 2,83 tỷ gói).
Ngoài Indonesia và Việt Nam, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng có mức độ tiêu thụ mì ăn liền tương đối cao trong năm 2022. Chẳng hạn, Philippines có sản lượng tiêu thụ 4,29 tỷ gói trong năm ngoái, đứng thứ 7 toàn cầu, trong khi Thái Lan cũng đứng thứ 9 toàn cầu với sản lượng tiêu thụ 3,87 tỷ gói. Malaysia và Myanmar với sản lượng tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2022 là 1,55 tỷ gói và 770 triệu gói đều năm trong top 20 thế giới.
Trong đó, Tôm Chua Cay là hương vị phổ biến nhất tại Việt Nam. Ngoài các gia vị có sẵn, còn cho thêm hành tây, chanh và ớt vào mì ăn liền đã nấu chín. Bên cạnh đó, món phở truyền thống của Việt Nam cũng được làm thành phở ăn liền, tạo nên nét độc nhất trong văn hóa mì gói tại Việt Nam.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền ngày càng có nhiều thành tích cao khi 3 năm liền sản lượng tiêu thụ sản phẩm này luôn đi lên. Theo Euromonitor, một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, xét về thị phần, Công ty CP Acecook Việt Nam và Tập đoàn Masan (Acecook và Masan) là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì ăn liền, chiếm tổng cộng 33%.
Tính về tổng doanh thu hoặc sản lượng tiêu thụ, Acecook cho biết năm 2022 họ bán ra thị trường Việt Nam 3,3 tỷ gói mì ăn liền. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mì ăn liền dự kiến sẽ tăng lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.
Trong báo cáo của WINA năm 2022, quốc gia tỷ dân Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về số lượng tiêu thụ mì ăn liền với 45,07 tỷ gói. Người Trung Quốc ưa thích vị mì làm từ súp bò với ngũ vị hương.
Khảo sát và sản lượng tiêu thụ mì trên thế giới được WINA thống kê hàng năm trên 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng mỳ ăn liền. WINA cho rằng, lượng tiêu thụ mì ăn liền liên tục tăng do tác động của Covid -19 và sự tiện lợi. Ngoài ra, sản phẩm mì ăn liền ngày càng đa dạng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Mặt khác, nhiều người dùng cho rằng họ ăn mì gói vì sở thích và giá cả hợp lý.