Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 17/11/2023, 05:56 (GMT+7)

Người Việt chi bao tiền để uống cà phê?

Báo cáo thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam do iPOS thực hiện cho biết, chi phí người Việt thường dành để đi uống cà phê dao động từ 41.000-70.000 đồng/lần.

Cụ thể, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000-70.000 đồng và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng trở lên cho mỗi lần đi quán cà phê.

Khảo sát cũng chỉ ra sự chênh lệch về mức chi giữa nam giới và nữ giới. Trong đó, nữ giới sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc đi cà phê. Số liệu từ iPOS cho thấy, 48% phụ nữ cho biết họ sẵn sàng chi 41.000-70.000 đồng cho mỗi lần cà phê, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mức chi tiêu đối với nữ.

Trong khi đó, nam giới có xu hướng chi tiêu cho cà phê thấp hơn nữ giới. Cụ thể, mức chi phổ biến nhất đối với nam giới là ở mức 20.000-40.000 đồng. Và ở mức chi 41.000-70.000 đồng chỉ chiếm 35%.

Tuy nhiên, tần suất ngồi quán cà phê ở nam giới lại cao hơn so với nữ giới. Khoảng 13% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ ngồi quán cà phê mỗi ngày, trong khi tỷ lệ nữ lui đến các quán cà phê mỗi ngày chỉ nhỉnh hơn một nửa so với con số đó, khoảng 7%. Nếu lấy tần suất theo tuần làm thang đo, thì mức độ đi quán cà phê của nam giới trong tuần cũng thường xuyên hơn so với nữ.

4 “thời điểm vàng” để uống cà phê
Chi phí người Việt thường dành để đi uống cà phê dao động từ 41.000 - 70.000 đồng/lần. (Ảnh: Pexels)

Số liệu từ khảo sát trên đã ngầm khẳng định về sức tiêu thụ cà phê ở thị trường Việt Nam. Với văn hóa cà phê "nở rộ", dân số trẻ, sẵn sàng chi tiêu, lại là nước sản xuất và nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, Việt Nam là "mảnh đất" màu mỡ để các thương hiệu cà phê lớn nhảy vào, trong đó có cả các thương hiệu cà phê cao cấp.

Khảo sát cũng chỉ ra một loạt các tiêu chí được người Việt ngầm tự đặt ra khi quyết định sử dụng các loại đồ uống bên ngoài như cà phê, trà sữa… Trong đó, yếu tố không gian quán được đề cao với 51,4%. Đây cũng là lý do để các chuyên gia trong lĩnh vực F&B khẳng định yếu tố không gian là yếu tố quan trọng quyết định đến trải nghiệm ở hoạt động giải trí này.

Trên cơ sở khảo sát hàng nghìn thực khách trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Dương, iPOS đã đưa ra một thông tin thú vị và quan trọng để các thương hiệu, chủ các cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, ăn uống có thể tham khảo để xây dựng định hướng và chiến lược riêng đối với từng tệp khách hàng.

Theo số liệu thống kê của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt hơn 10.845 tỷ đồng vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng là 7,9%, thị trường dự kiến đạt 11.779 tỷ đồng vào năm nay và hướng tới 15.837 tỷ đồng vào năm 2027.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục