Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 20/10/2024, 11:12 (GMT+7)

Người đàn ông ở Phú Thọ nguy kịch sau 5 ngày ăn món ăn khoái khẩu của nhiều người

Sau 5 ngày ăn tiết lợn mua ở chợ, người đàn ông ở Phú Thọ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, toàn thân đau nhức, nổi các nốt phỏng tím đen, trụy tim mạch.

Gia đình & Xã hội thông tin, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã cứu sống nam bệnh nhân (72 Tuổi, xã Bằng Giã, Hạ Hoà) bị nhiễm liên cầu lợn.

Bệnh nhân được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) trong tình trạng khó thở, trụy tim mạch, huyết áp giảm chỉ còn 50/20mmHg, toàn thân đau nhức,  bàn chân nổi các nốt phỏng tím đen, đặc biệt cẳng chân bên trái có dấu hiệu đau nhiều hơn.

Chia sẻ với bác sĩ, người nhà bệnh nhân cho biết trước đó 5 ngày, người bệnh có ăn tiết lợn do gia đình mua ngoài chợ không rõ nguồn gốc.

lien-cau-lon
Ảnh minh họa

Bệnh nhân đã được kíp trực điều trị tích cực bằng cách thở oxy, truyền dịch, thuốc vận mạch nâng huyết áp, giảm đau. Đồng thời các bác sĩ Trung tâm Y tế Hạ Hoà đã hội chẩn với TS, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng khoa hồi sức yêu cầu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), nghi ngờ người bệnh nhiễm liên cầu lợn.

Đánh giá tình trạng bệnh nặng nên đã thống nhất vừa hồi sức tích cực, vừa di chuyển đến Bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Tại đây, người bệnh được lọc máu kết hợp các biện pháp điều trị tích cực. Kết quả cấy máu của bệnh nhân cho thấy ông bị nhiễm liên cầu lợn. Sau thời gian điều trị, hiện tại, sức khoẻ người bệnh có tiến triển tốt.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.

Nhiễm S.suis ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết. Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

lien-cau-lon1
Ảnh minh họa

Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 - 100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. 

Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Phòng bệnh liên cầu lợn thế nào?

Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. 

- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.  

- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 700C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

tiet-canh
Không nên ăn tiết canh

- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. 

- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

- Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.

- Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn. Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách.

- Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại. ​

- Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Cùng chuyên mục