Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 25/08/2023, 15:00 (GMT+7)

Mụn kê ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại, cha mẹ nên làm gì?

Mụn kê ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại hay không, nó có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không? Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu về tình trạng nổi mụn kê ở trẻ sơ sinh trong bài viết này nhé! 

Mụn kê ở trẻ sơ sinh là gì?

Mụn kê ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là mụn sữa hoặc nang kê, những mụn này thường không đau, không ngứa. Nhìn qua thì chúng ta có thể dễ nhìn thấy vùng da hơi tấy đỏ bao bọc lấy những nốt mụn chấm trắng nhỏ. Mụn kê thường xuất hiện ở vùng trán, cằm, gò má, mũi của trẻ sơ sinh, ngoài ra chúng còn nổi ở chân tay hoặc vùng lưng của bé. 

Theo thống kê, có tới khoảng 50% trẻ sơ sinh bị mụn kê. Có những trường hợp, bé có thể bị mụn kê ngay từ 1-2 ngày sau sinh. Nhưng thực chất hiện tượng mụn kê ở trẻ sơ sinh không có gì nguy hiểm. Nó có thể kéo dài từ một hai tuần hoặc vài tháng tùy theo cơ địa của mỗi bé và cách bố mẹ chăm sóc bé.

mun-ke-o-tre-so-sinh-1
Tình trạng mụn kê ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân xảy ra tình trạng mụn kê ở trẻ sơ sinh

Khi ba mẹ thấy trên da của trẻ mới sinh xuất hiện những nốt sần đỏ nhỏ, màu trắng đục, mọc thành đám có à hình dáng giống như hạt kê (mè) ở các vùng như mí mắt, mặt, mũi, tay, chân,… thì đó có thể là dấu hiệu của mụn kê hay còn gọi là mụn sữa. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do:

  • Nguyên nhân dẫn đến trẻ sơ sinh bị nổi mụn kê trên da là do hormone từ mẹ truyền sang cho trẻ sơ sinh. Với một lượng nội tiết tố lớn này khi mẹ truyền sang bé sẽ gây kích thích tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn. từ đó gây ra hiện tượng mụn kê nổi trên da bé.
  • Bụi bẩn, mồ hôi và các loại cặn bẩn bám trên da của bé mà không được vệ sinh sạch sẽ cũng là một nguyên nhân gây ra mụn kê ở trẻ sơ sinh.
  • Cơ thể trẻ sơ sinh đang hoàn thiện dần khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài nên tăng sự trao đổi chất và tăng tiết các chất bã nhờn ra bên ngoài hoặc phì đại hệ bã nhờn trên da trẻ khiến trẻ xuất hiện mụn kê.
mun-ke-o-tre-so-sinh-2
Nguyên nhân xảy ra tình trạng mụn kê ở trẻ sơ sinh

Để chữa trị hiện tượng mụn kê ở trẻ sơ sinh hiệu quả mẹ cần biết rằng mụn kê thường xuất hiện ngay khi bé mới chào đời, chúng không sưng tấy, không ngứa một số trường hợp hơi đỏ nhưng không khiến bé khó chịu. Nhưng lúc đầu, da mặt của bé chỉ là xuất hiện vài chấm đỏ sau đó sẽ lan dần thành từng mảng, cụm  làm da sần, tấy đỏ. Vùng da này sẽ càng tấy và đỏ nếu trẻ bị nóng hoặc da trẻ tiếp xúc với nước nóng, sữa mẹ, nước bọt, hoặc các chất tẩy rửa.

Vì vậy, nếu được chăm sóc và chữa trị đúng cách, mụn kê sẽ hết nhanh chóng trong vài ngày. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp kéo dài tới vài tháng. Nếu ba mẹ không chăm sóc và chữa trị đúng cách sẽ khiến vùng da bị mụn kê của bé bị kích ứng, viêm nhiễm và để lại sẹo trên da trẻ. 

Triệu chứng mụn kê ở trẻ sơ sinh

Để nhận biết sớm mụn kê ở trẻ sơ sinh, các mẹ có thể dựa vào những triệu chứng mà Tiếp Thị Gia Đình chia sẻ dưới đây:

  • Mụn kê là triệu chứng xuất hiện các sẩn nhỏ với đường kính < 3mm, màu trắng nhẹ, nằm rải rác ở nhiều nơi hoặc tập trung thành một cụm trên da.
  • Một số trường hợp, vùng da xung quanh các nốt mụn kê có thể nổi sẩn màu đỏ hồng, kèm theo mụn nước nhỏ và mụn mủ trắng.
  • Mụn kê sẽ thường xuất hiện ở các vùng da thường hay bài tiết nhiều mồ hôi như lưng, trán, ngực, hai hõm má và quanh mũi.
  • Ngoài ra, một vài trường hợp đặc biệt, trẻ bị ngứa ngáy do tắc nghẽn tuyến mồ hôi khiến trẻ cảm thấy khó chịu, quấy khóc và hay đưa tay lên cào mặt, những vùng da bị mụn. Những trường hợp này bạn nên đưa bé tới khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. 
mun-ke-o-tre-so-sinh-3
Triệu chứng mụn kê ở trẻ sơ sinh

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị mụn kê

Thực ra, trẻ bị mụn kê điều trị khá đơn giản, chủ yếu chỉ cần ba mẹ thay đổi cách sinh hoạt chứ không cần phải uống thuốc hay can thiệp y tế chuyên sâu. Dưới đây là những điều ba mẹ cần làm giúp trẻ điều trị mụn kê. 

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho bé mỗi ngày là việc ưu tiên hàng đầu để điều trị hiện tượng mụn kê ở trẻ sơ sinh. Mẹ nên pha nước tắm cho bé ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh để tránh tình trạng da bé bị khô và phồng rộp. Đồng thời, mẹ cũng nên chọn những loại sữa tắm dịu nhẹ, không chứa các chất tẩy rửa mạnh gây ảnh hưởng cho làn da mỏng, dễ kích ứng của bé. 

Trong khi tắm, mẹ cũng nên massage da bé thật nhẹ nhàng, không chà quá mạnh vào những vùng da bị mụn kê. Sau khi tắm, dùng khăn mềm để lau khô người cho trẻ và tuyệt đối không nên thoa phấn rôm để tránh gây dị ứng. Đồng thời, mẹ cũng không tự ý bôi thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ. 

mun-ke-o-tre-so-sinh-4
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị mụn kê

Nếu trẻ sơ sinh bị mụn kê mẹ có thể dùng các loại thảo dược lành tính, có tính hàn để nấu nước tắm cho bé như mướp đắng, lá khế, lá gừng, hạt kê, hạt mùi để chữa mụn kê cho trẻ sơ sinh, đây là cách dân gian được rất nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả cao chỉ sau vài lần tắm. 

Mẹ muốn chữa mụn kê cho trẻ sơ sinh thì đừng quên ăn thật nhiều thực phẩm có tính mát, hạn chế ăn các thực phẩm tanh và gây dị ứng cho trẻ như thủy hải sản. 

Thời tiết oi bức, nóng nực cũng chính là tác nhân khiến trẻ sơ sinh bị mụn kê, rôm sảy, mẩn ngứa, hăm tã, các mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, tuyệt đối không để trẻ trong tình trạng nóng bức, sẽ khiến mụn kê lây lan nhiều hơn.

Mẹ cần vệ sinh, giặt giũ những đồ vật xung quanh bé như chăn, gối, quần áo, đồ chơi trước khi cho con sử dụng. 

Ngoài ra, mẹ cũng nên cắt móng tay cho bé thường xuyên. Bởi hầu như các tình trạng mụn kê ở trẻ sơ sinh đều không gây ngứa ngáy nhưng vẫn có một số trường hợp đặc biệt gây ngứa, khó chịu cho trẻ. Chính vì vậy, mẹ cần giúp trẻ cắt móng tay gọn gàng để tránh tình trạng trẻ đưa tay lên cào vào những vùng da mụn và khiến chúng bị xước, nhiễm trùng.

Trong bài viết này, Tiếp Thị Gia Đình đã chia sẻ cho các bạn hiểu về tình trạng mụn kê ở trẻ sơ sinh. Đây là một triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ mới sinh nhưng không đáng lo ngại. Mong rằng những chia sẻ trong chuyên mục làm cha mẹ này của chúng tôi giúp ích được cho bạn. 

Cùng chuyên mục