Lưu ý khi ăn lẩu trong dịp lễ để bảo vệ sức khỏe
Lẩu là món ăn khá phổ biến ở Việt Nam. Chúng lại càng thích hợp để các gia đình quây quần trong những ngày nghỉ lễ. Ăn lẩu thế nào để vừa ngon lại tốt cho sức khỏe?
Dùng đũa riêng để gắp thức ăn sống và chín
Đừng chỉ dùng một đôi đũa để gắp thức ăn sống cho vào nồi lẩu rồi dùng đôi đũa ấy để gắp thức ăn chín cho vào miệng. Việc này sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn trong thức ăn sống xâm nhập vào cơ thể bạn. Để tránh nhầm lẫn đũa khi ăn lẩu, bạn nên dùng một đôi đũa to hơn và khác màu với các đôi còn lại để gắp đồ sống. Những đôi cùng màu dùng để ăn thường ngày để gắp đồ ăn chín.
Nên ăn nhiều rau
Món lẩu thường ăn cùng nhiều loại thịt, hải sản… Tuy nhiên, chỉ ăn đạm động vật và thiếu đi chất xơ sẽ gây mất cân bằng sinh dưỡng và khiến bạn nhanh ngán. Thêm nhiều rau, nấm, đậu phụ… khi ăn lẩu giúp bổ sung vitamin, giảm bớt dầu mỡ và điều hoà vị lẩu, trừ nóng và giải độc.
Không ăn thức ăn quá nóng, quá cay
Ăn thức ăn nóng khi mới gắp từ nồi lẩu ra khiến khoang miệng, dạ dày và thực quản dễ bị tổn thương. Đừng quá vội vàng mà nên để thức ăn nguội bớt rồi mới ăn.
Bạn cũng không nên cho quá nhiều gia vị cay vào nồi nước lẩu. Điều này không những làm kích thích càng màng nhầy trong miệng, thực quản, đường tiêu hóa mà còn gây ra tắc nghẽn, phù nề, dễ gây bệnh. Những người đang bị các bệnh liên quan viêm miệng, viêm họng mãn tính, loét và viêm tụy mạn tính, viêm túi mật tái phát và một số người đã phẫu thuật thì không nên ăn lẩu nhiều.
Không ăn đồ nhúng còn tái, đỏ hoặc chín quá kỹ
Nhiều người sẽ thích vị tươi mềm, nên khi thả đồ sống vào nồi đã nhanh chóng gắp ra ăn ngay dù chỉ tái bên ngoài mà chưa xem kỹ bên trong đã chín hay chưa. Ăn thịt còn tái, đỏ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa của bạn. Tuy nhiên, cũng không nên để thịt chín quá kỹ. Nếu thịt chín quá kỹ sẽ bị nát, khó ăn và mất chất.
Để ăn thịt, cá, hải sản ngon và an toàn, bạn cần đợi nước lẩu sôi cao rồi mới để thức ăn vào nồi lẩu. Sau đó, đợi đồ chín hoàn toàn rồi mới ăn.
Không ăn lẩu và uống đồ quá lạnh cùng lúc
Vị nóng, chua cay và ngấy của lẩu sẽ khiến bạn thèm một cốc nước lành để giải khát. Tuy nhiên, cách ăn này sẽ dễ gây hại cho đường ruột và dạ dày. Bởi khi bạn ăn lẩu và uống nước đá sẽ kích thích dạ dày co bóp, gây giảm tiết dịch tiêu hóa đồng thời sẽ làm giảm lượng men tiêu hóa, gây cản trở quá trình tiêu hóa.
Cần thay nước lẩu nếu ăn lâu
Khi nước lẩu nấu càng lâu, càng về cuối sẽ càng mặn. Nồi lẩu sôi đi, sôi lại sẽ khiến các hàm lượng vitamin và các chất có lợi trong thức ăn bị giảm đi còn hàm lượng chất béo bão hòa, natri, purine và các thành phần khác gây hại cho cơ thể lại tăng cao. Chúng sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, xơ vữa động mạch, bệnh gout, tiểu đường hoặc một số bệnh khác.
Người có bệnh tiểu đường, người bệnh gout, người bị béo phì, mỡ trong máu, người cao huyết áp…. Nên hạn chế việc ăn lẩu, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Không nên ăn lẩu quá lâu, liên tục
Lẩu dù ngon đến thế nào, bạn cũng không nên ăn liên tục trong dịp lễ vì chúng sẽ gây tổn hại đến đường tiêu hóa của bạn. Khi bạn ăn lẩu trong nhiều tiếng đồng hồ liên tục và trong nhiều ngày liên tiếp, hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, đường ruột liên tục phải làm việc, dịch tiêu hóa giảm làm rối loạn đường tiêu hóa.