Chủ nhật, 25/02/2024, 12:28 (GMT+7)

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội có thể tăng mạnh sau cải cách tiền lương

An Nhiên (Theo An ninh Thủ đô)

Con số chính xác về mức điều chỉnh lương hưu vẫn còn đang được tính toán, tuy nhiên theo các chuyên gia, cần sớm thống nhất phương án tránh trì hoãn thời gian gây bức xúc cho người hưởng.

Đề xuất mức điều chỉnh lương hưu khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024, Bảo hiểm xã hội nêu quan điểm chỉ nên tăng khoảng 8%. Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, lương hưu cần tăng ít nhất 15%. Con số chính xác về mức điều chỉnh lương hưu vẫn còn đang được tính toán, tuy nhiên theo các chuyên gia, cần sớm thống nhất phương án tránh trì hoãn thời gian gây bức xúc cho người hưởng.

Tăng lương hưu cùng thời điểm cải cách tiền lương

Từ ngày 1-7-2024, việc cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ được thực hiện với cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay, dự kiến cao hơn khoảng 30%. Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm tính từ năm 2025 với mức khoảng 7%/năm. Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024-2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, mức hưởng lương hưu bình quân từ Quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/người/tháng
Hiện nay, mức hưởng lương hưu bình quân từ Quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/người/tháng

Trong đó, chi cho cải cách tiền lương 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công 18 nghìn tỷ đồng. Cùng với thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị từ ngày 1-7-2024 sẽ đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đề cập đến việc triển khai nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, việc điều chỉnh chính sách lương hưu phải được thực hiện trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách. Khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất lương hưu phải tăng 15%. Cũng theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, khi thực hiện cải cách tiền lương, người có công trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm những người hưởng chế độ này không bị thiệt thòi. Sau cải cách tiền lương, người có công sẽ hưởng mức cao hơn bình quân. Trong năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ phấn đấu tham mưu để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, tối thiểu mức chuẩn bằng 50% hộ nghèo nông thôn.

Năm 2024 chỉ nên tăng khoảng 8%

Cho ý kiến về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tăng lương hưu thêm khoảng 8% từ ngày 1-7. Lý giải đề xuất này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính yếu tố trượt giá) đồng thời lương hưu của người nghỉ hưu sau ngày 1-7-2024 chỉ tăng khoảng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6-2024.

Hiện mức lương đối với cán bộ hưu trí còn thấp, do đó ai cũng muốn tăng lương hưu cao hơn để giúp đảm bảo cuộc sống
Hiện mức lương đối với cán bộ hưu trí còn thấp, do đó ai cũng muốn tăng lương hưu cao hơn để giúp đảm bảo cuộc sống

Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% (thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực Nhà nước). Xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, mức đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1-7-2024 khoảng 8% là phù hợp (căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức đề xuất trên giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương, và người hưởng lương hưu từ ngày 1-7-2024 trở đi. Bởi vì, đây là mức điều chỉnh lương hưu chung cho mọi người hưởng lương hưu, bao gồm cả người lao động trước khi nghỉ hưu đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương do Nhà nước quy định, và người đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Với mức điều chỉnh 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngân sách Nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng. Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3.500.000 đồng/tháng, thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng (chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).

Lương hưu đã được điều chỉnh tăng 23 lần

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 1-4-2021, dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người, trong đó có 12,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Số người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đã tăng lên, chiếm 20,7% tổng số người cao tuổi. Trong đó, số người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội tăng nhanh hơn, bình quân giai đoạn tăng 5,32% mỗi năm. Nhằm bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995. Hiện nay, mức hưởng lương hưu bình quân từ quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/người/tháng.

Để người hưởng lương hưu không phải chật vật

Cùng với cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu là một trong những nội dung luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tăng lương hưu sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương đồng thời giúp hưu trí cải thiện cuộc sống. Trên thực tế, rất nhiều người hưởng lương hưu đang nhận mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (hiện là 4,68 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn phải tìm việc làm để bảo đảm cuộc sống.

Có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông Nguyễn Thế Thăng (Hoài Đức, Hà Nội) nghĩ rằng cuộc sống về già sẽ dễ thở hơn. Nhưng khi biết mức lương hưu hàng tháng của mình chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng, ông rất hoang mang. Với con số lương hưu này, không thể đủ trang trải cuộc sống nên sau khi nghỉ hưu, ông xin làm công việc bán thời gian, thu nhập mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Dù có 2 khoản thu nhập nhưng hiện nay ông Thăng vẫn phải sống chật vật. Vì vậy, ông mong muốn lương hưu sẽ được cải thiện, ngày càng tiệm cận mức lương tối thiểu vùng để người lao động giảm bớt nỗi lo khi về già.

Cũng như ông Thăng, bà Phạm Thị Loan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về hưu từ năm 2006 do suy giảm khả năng lao động. Với mức lương hưu ban đầu là 500.000 đồng/tháng, qua các đợt điều chỉnh, hiện bà nhận lương hưu hàng tháng là hơn 2 triệu đồng. Bà Loan tâm sự: “Trước đây, tôi làm trong ngành xây dựng, dù về hưu sớm nhưng tôi phải chờ đến đủ tuổi mới được nhận lương. Lương hưu thấp, để trang trải cuộc sống tôi làm thêm giúp việc theo giờ. Tuy nhiên, do sức khỏe suy giảm nên cũng chỉ kiếm thêm được một vài triệu/tháng. Tôi mong Nhà nước quan tâm đến đời sống của người cao tuổi, khi thực hiện cải cách tiền lương, nâng mức lương hưu tương xứng giúp chúng tôi đỡ khó khăn”.

Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, hiện nay mức lương đối với cán bộ hưu trí còn thấp, do đó ai cũng muốn tăng lương hưu cao hơn để giúp đảm bảo cuộc sống. Mức đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra dựa trên quan điểm của mỗi bên. Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị cần trao đổi thống nhất để điều chỉnh mức tăng hợp lý nhất, bởi đây là kỳ vọng của đông đảo người hưu trí.

Theo các chuyên gia về chính sách, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng lương bao nhiêu thì người về hưu cũng phải được điều chỉnh tăng tương xứng. Việc tăng lương hưu ở mức thấp đảm bảo an toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội nhưng nếu không tính toán kỹ, thì người hưởng lương hưu sẽ thiệt thòi. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần thống nhất sớm mức điều chỉnh, trình Chính phủ quyết định sớm để người về hưu được nhận lương tăng từ ngày 1-7, tránh phải điều chỉnh thời gian nhân gây bức xúc cho người hưởng lương hưu.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh do thực hiện cải cách tiền lương cần sửa đổi quy định tại khoản 1, Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân chung hai giai đoạn như sau: Giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1-7-2024 thì bình quân số năm cuối tính đến ngày 30-6-2024; Giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-7-2024 trở đi thì tính bình quân của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để tính toán tác động với người lao động nghỉ hưu theo từng năm, trên cơ sở đó đề xuất việc tính bình quân số năm đến 30-6-2024 để báo cáo Chính phủ.

Cùng chuyên mục