Thứ tư, 16/04/2025
logo
Địa ốc

Loạt nhà ở xã hội trình làng, người thu nhập thấp sắp có cơ hội an cư?

VIÊN VIÊN Thứ ba, 15/04/2025, 14:19 (GMT+7)

TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ hội an cư cho người thu nhập thấp và người trẻ với nhiều chính sách hỗ trợ. 

Nhà ở 'vừa túi tiền' ngày càng xa vời với người trẻ đô thị?

Giữa lúc nhà ở bình dân gần như 'biến mất', Hà Nội công bố một dự án nhà ở xã hội với mức giá hấp dẫn, khoảng 25 triệu đồng/m2

TP.HCM đẩy mạnh triển khai nhà ở xã hội giải quyết nhu cầu mua nhà của người thu nhập thấp

Nhiều dự án nhà ở xã hội trình làng

Bước sang năm 2025, bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều gam màu sáng, đặc biệt ở phân khúc nhà ở xã hội. Hàng loạt dự án mới sắp được khởi công và mở bán, mang theo hy vọng lớn cho hàng triệu người có thu nhập trung bình – thấp đang chật vật với bài toán an cư.

Điểm sáng đầu tiên chính là việc 15 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đã đăng ký tham gia Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Con số cam kết lên đến hơn 1,5 triệu căn hộ, cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của khối tư nhân, bên cạnh các chính sách khuyến khích từ Chính phủ.

Chỉ riêng trong tháng 3/2025, nhiều địa phương đã đồng loạt khởi công các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn. Tại Vĩnh Phúc, dự án tại Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên với tổng vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, do Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) làm chủ đầu tư, chính thức khởi công. Dự án gồm 38 tòa nhà với hơn 5.300 căn hộ, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Tại Hà Nội, liên danh Handico và Viglacera cũng đã khởi công dự án Thăng Long Green City tại khu đô thị Kim Chung, huyện Đông Anh, cung cấp hơn 1.100 căn hộ. Giá bán dự kiến chỉ ở mức 18,4 triệu đồng/m² – đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì – giúp người mua dễ tiếp cận hơn.

1691677432_1-0548
Nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho người thu nhập thấp an cư. 

Tại Bình Dương, Kim Oanh Group triển khai dự án K-Home New City với quy mô gần 27 ha, tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng, cung cấp hơn 3.300 sản phẩm thuộc nhiều loại hình nhà ở xã hội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển 40.000 sản phẩm NƠXH từ nay đến năm 2028, chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Không dừng lại ở các dự án đã động thổ, nhiều địa phương khác cũng đang chuẩn bị ra mắt dự án mới. Tại Đà Nẵng, trong năm 2025 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án với hơn 1.800 căn, đồng thời triển khai thêm 3 dự án khác với hơn 3.500 căn. Tỉnh Đồng Nai cũng đang mời gọi nhà đầu tư cho 6 dự án với tổng cộng khoảng 6.500 căn hộ, trong đó riêng TP. Biên Hòa đã chiếm một nửa.

Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Hòa Phát cũng sắp sửa triển khai dự án nhà ở cho công nhân tại Hưng Yên, trên quỹ đất 31 ha. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, cung cấp 9.000 căn hộ, phục vụ khoảng 11.500 người lao động quanh các khu công nghiệp lân cận.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2024 cả nước chỉ có 108 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tương ứng khoảng 47.500 căn hộ. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, con số này dự kiến tăng gấp đôi, với 135 dự án và gần 102.000 căn hộ mới. Đây là kết quả của hàng loạt chính sách kích cầu thị trường NƠXH được ban hành thời gian qua, từ quy hoạch quỹ đất đến ưu đãi tín dụng cho người mua.

Chị Trần Thu Hồng (36 tuổi), công nhân đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM), chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi làm công nhân, mỗi tháng thu nhập hơn 30 triệu đồng. Nhưng với chi phí thuê nhà, nuôi hai con ăn học ở thành phố thì gần như không dư dả gì. Giấc mơ mua nhà ở TP.HCM là điều không tưởng. Ra vùng ven như Bình Dương, nhà nào cũng tầm trên 2 tỷ đồng, vợ chồng tôi cũng đành bó tay. Chúng tôi chỉ còn trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội và chính sách vay ưu đãi từ nhà nước để có cơ hội an cư".

Chia sẻ về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân – doanh nghiệp có hơn 20 năm chuyên phát triển nhà ở xã hội, nhận định: “Chưa bao giờ nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ như hiện nay". Theo ông, có ba yếu tố cốt lõi để người dân hiện thực hóa giấc mơ an cư: chính sách ưu đãi, nguồn vốn vay và ý thức tiết kiệm của người mua.

Dù lợi nhuận thấp, thậm chí một số dự án còn thua lỗ, nhưng ông Tuấn cho rằng nhà ở xã hội không nên bị đánh giá bằng lợi nhuận. “Đây là sự chung tay giữa doanh nghiệp, Chính phủ và chính quyền địa phương để đảm bảo an sinh xã hội", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông, mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội hiện nay khoảng 6,6%/năm tuy cao hơn trước, nhưng vẫn ở mức hợp lý khi so với mặt bằng giá nhà thương mại và tốc độ lạm phát hiện tại.

Có thể thấy, sau nhiều năm “chật vật” với giấc mơ mua nhà, người thu nhập thấp đang thực sự đứng trước cơ hội lớn để hiện thực hóa giấc mơ an cư. Khi chính sách đã thông, quỹ đất đã có, doanh nghiệp đã vào cuộc, vấn đề còn lại nằm ở sự kiên trì và kế hoạch tài chính của từng cá nhân.

Với sự đồng hành từ cả Nhà nước và doanh nghiệp, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm “bùng nổ” của nhà ở xã hội – nơi giấc mơ về một mái ấm vừa túi tiền không còn xa vời nữa.

Lời giải bài toán an cư

Trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao vượt xa khả năng chi trả của người lao động và người trẻ, chính sách phát triển nhà ở xã hội đang được xem là "chìa khóa" giải bài toán an cư tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Từ đầu năm 2025, hàng loạt dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô lớn, nhờ vào loạt chính sách hỗ trợ quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Là địa phương đi đầu cả nước về phát triển NƠXH, Bình Dương đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Ngoài lợi thế vị trí liền kề TP.HCM và lực lượng lao động nhập cư đông đảo, tỉnh còn đưa ra nhiều chính sách “mở đường” cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Bình Dương hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án, bao gồm đường giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng công cộng... với mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án. Đồng thời, các chủ đầu tư sẽ được miễn 100% lệ phí cấp phép xây dựng, phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phí thẩm định giấy phép môi trường.

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo thành lập các bộ phận chuyên trách hỗ trợ thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đồng thời đơn giản hóa quy trình, loại bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết. Theo ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, mục tiêu là tạo khung pháp lý thuận lợi để sớm hoàn thiện chỉ tiêu phát triển hơn 42.000 căn NƠXH đến năm 2025.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã xây dựng gần 15.900 căn và phấn đấu thêm hơn 26.000 căn trong 2 năm tới. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều khó khăn.

Còn tại TP.HCM, nơi áp lực về nhà ở luôn ở mức cao, UBND Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tốc phát triển NƠXH. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường, Thành phố đã quy hoạch hơn 400 ha đất cho NƠXH và đang xúc tiến bố trí thêm 1.000 ha nữa. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư để triển khai nhóm nhà ở thương mại giá hợp lý theo Nghị định 75/2025/NĐ-CP.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết TP.HCM được giao chỉ tiêu phát triển 100.000 căn NƠXH đến năm 2030. Riêng trong năm 2025, TP phải hoàn thành ít nhất 2.800 căn. Qua khảo sát mới đây, Bộ đánh giá cao tiến độ của 2 dự án lớn đang chuẩn bị hoàn thiện với tổng quy mô khoảng 2.100 căn. Đây là bước khởi đầu tích cực để thúc đẩy các dự án tiếp theo.

Số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có hơn 7 triệu công nhân đang làm việc tại khoảng 370 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX). Tuy nhiên, chỉ hơn 30% trong số này có chỗ ở ổn định. Số còn lại phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sống kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu suất lao động.

Tại Hà Nội, tình trạng cũng tương tự. Dù có nhiều KCN và dân cư đông đúc, nhưng quỹ NƠXH còn hạn chế. Nhiều người lao động, người trẻ phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, thiếu điều kiện sinh hoạt cơ bản. Đây chính là lý do khiến Chính phủ xác định phát triển NƠXH là nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng: "Để tái cấu trúc thị trường bất động sản một cách an toàn và bền vững, chúng ta cần hai đột phá: phát triển nhà ở thương mại giá hợp lý và đẩy mạnh xây dựng NƠXH".

Ông Châu khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản nên tái định hướng đầu tư, tham gia chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội do Chính phủ khởi xướng. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh thực thi pháp luật và cải cách thủ tục hành chính, giúp các dự án được phê duyệt nhanh chóng, đưa nguồn cung vào thị trường.

Trong bối cảnh giá nhà thương mại tăng cao, cơ hội sở hữu nhà ngày càng xa vời với người trẻ và người lao động, thì NƠXH chính là giải pháp thiết thực và bền vững. Việc các địa phương như TP.HCM, Bình Dương đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục đầu tư đang mở ra hy vọng an cư cho hàng triệu người.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản về chỗ ở, phát triển NƠXH còn tạo động lực kinh tế, thúc đẩy ngành xây dựng, giải ngân đầu tư công và hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản. Hơn hết, đây là lời khẳng định cho cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi an sinh cho mọi công dân.

Dưới sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của hàng triệu người thu nhập thấp đang ngày càng gần hơn. Và nếu mọi việc tiếp tục diễn ra đúng lộ trình, đến năm 2030, Việt Nam có thể tự hào với thành quả phát triển ít nhất 1 triệu căn NƠXH, đúng như kỳ vọng của Chính phủ.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục