Làm thế nào để loại bỏ vi nhựa khỏi nước uống?
Các nhà khoa học đã tìm ra một số cách để loại bỏ vi nhựa ra khỏi nước uống, trong đó có cách mà nhiều người Việt Nam vẫn làm hàng ngày.
Vi nhựa độc hại thế nào?
Vi nhựa (Microplastics) là một trong những nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống động vật hoang dã, môi trường và cả cuộc sống của con người. Hạt vi nhựa là những mẫu nhựa nhỏ được tìm thấy trong môi trường với đường kính nhỏ hơn 5mm.
Nguồn gốc của hạt vi nhựa khá đa dạng. Hạt vi nhựa hình thành từ quá trình phân hủy các mảnh nhựa lớn hoặc các vật phẩm nhựa trong môi trường. Chúng có thể được sản xuất ở kích thước nhỏ và có trong các sản phẩm như kem đánh răng, thuốc tẩy tế bào chết… nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng. Vi nhựa theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng tập trung ra biển.
Vi nhựa đang dần trở thành một vấn nạn toàn cầu, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của con người theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là qua con đường thức ăn và đồ uống. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy có thể tìm thấy vi nhựa trong các loại thức ăn, gia vị như muối, mật ong và cả bia. Tuy nhiên, hải sản là nguồn thực phẩm chứa hạt vi nhựa phổ biến nhất vì các mảnh nhựa thường trôi nổi trên biển và bị cá cũng như những sinh vật khác ăn phải. Một số loài cá nhầm lẫn giữa nhựa và thức ăn dẫn đến tích tụ dần các chất độc bên trong gan của chúng.
Theo nghiên cứu mới được công bố tại Mỹ, 1 lít nước đóng chai trung bình có gần 250.000 hạt vi nhựa vô hình. Nghiên cứu được tổng hợp từ 5 mẫu nước đóng chai của 3 nhãn hiệu phổ biến. Sau khi tính toán, các nhà khoa học phát hiện mật độ hạt vi nhựa dao động trong khoảng 110.000 - 400.000 hạt/lít, trung bình ở mức khoảng 240.000 hạt/lít.
Nếu con người vô tình hấp thụ các độc tố từ hạt vi nhựa sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng hoocmon, ảnh hưởng đến cấu trúc não, hô hấp, tiêu hóa và suy yếu hệ miễn dịch. Đặc biệt, nếu phụ nữ đang trong thời kỳ thai nghén mà hấp thụ quá nhiều hạt vi nhựa rất dễ dẫn đến tình trạng sảy thai. Đến thời điểm này, vẫn chưa có số liệu cụ thể xác định hàm lượng cho phép của hạt vi nhựa trong nước và thực thẩm. Tuy nhiên, ảnh hưởng cực xấu từ hạt vi nhựa đối với sức khỏe người là điều khó tránh khỏi.
Có cách nào để loại bỏ vi nhựa trong nước không?
Đun sôi nước
Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Y Quảng Châu và Đại học Tế Nam (Trung Quốc) đã tìm ra phương pháp tương đối đơn giản và hiệu quả để loại bỏ vi nhựa khỏi nước uống. Đó là kết hợp giữa đun sôi và lọc bỏ bất kỳ chất kết tủa nào có trong nước.
Nghiên cứu cho thấy có tới 90% nhựa nano và nhựa vi mô (NMP) có thể được loại bỏ bằng quá trình đun sôi và lọc, hiệu quả cụ thể sẽ thay đổi tùy theo từng loại nước. "Việc đun sôi nước trước khi uống là vô cùng đơn giản và hiệu quả. Phương pháp này được chứng minh là có thể "khử nhiễm" NMP khỏi nước máy gia đình, cũng như giảm bớt lượng NMP hấp thụ của con người thông qua việc tiêu thụ nước", các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Các nhà khoa học cho rằng điều này rất tiện lợi khi người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện trong nhà bếp. Họ cũng khuyên người dân nên lọc qua nước trước khi uống nhằm loại bỏ các cặn vôi (canxi cacbonat) sau khi chúng hình thành từ quá trình đun sôi nước. Quá trình lọc nước này có thể được thực hiện đơn giản với một lưới lọc trà.
Quả đậu bắp
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra một giải pháp để loại bỏ vi nhựa khỏi nước tại Hiệp hội Hóa học Mỹ. "Để loại bỏ vi nhựa hoặc bất kỳ loại vật liệu nào khác, chúng ta nên sử dụng các vật liệu tự nhiên không độc hại", nhà nghiên cứu chính Rajani Srinivasan thuộc Đại học Tarleton State chia sẻ.
Đậu bắp được sử dụng như một chất làm đặc trong nhiều món ăn, chẳng hạn như Gumbo, một món hầm từ Louisiana. Nó cũng là món ăn chính ở khu vực Nam Á với tên gọi là bhindi. Tại Việt Nam, đậu bắp được dùng để chần hoặc nướng…
Nghiên cứu trước đây của Srinivasan đã xem xét cách thức chất nhờn từ đậu bắp và một số loại thực vật khác có thể loại bỏ các chất ô nhiễm từ vải sợi khỏi nước và thậm chí cả vi sinh vật và cô ấy muốn xem liệu điều đó có áp dụng tương tự cho vi nhựa hay không. Quy trình xử lý nước thải truyền thống lọc vi nhựa trong 2 bước. Đầu tiên, loại bỏ phần nổi khỏi mặt nước. Tuy nhiên, những chất này chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần còn lại được lọc bằng cách sử dụng chất tạo bông, hoặc hóa chất dính để hút vi nhựa, tạo thành các cục lớn hơn. Những khối này chìm xuống đáy và sau đó lấy ra khỏi nước.
Vấn đề là những chất dính tổng hợp, chẳng hạn như polyacrylamide, có thể phân hủy thành các hóa chất độc hại. Vì vậy, Srinivasan và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu cách xem chất dính tự nhiên từ đậu bắp, lô hội, xương rồng, cỏ ca ri, me và psyllium (vỏ hạt mã đề) mua ở siêu thị sẽ hoạt động như thế nào. Nghiên cứu cho thấy, polysaccharid từ đậu bắp kết hợp với polysaccharid từ cỏ ca ri có thể loại bỏ tốt nhất vi nhựa khỏi nước đại dương, trong khi polysaccharid từ đậu bắp kết hợp với me hoạt động tốt nhất trong mẫu nước ngọt.
Nhìn chung, các polysaccharid đều hoạt động tốt, một số thậm chí tốt hơn polyacrylamide. Điều quan trọng là hợp chất có nguồn gốc từ thực vật không độc hại và có thể sử dụng trong các nhà máy xử lý hiện có. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng quy mô và thương mại hóa quy trình, cho phép nhiều người tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn hơn.