Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 31/10/2024, 10:35 (GMT+7)

Loạt bộ ngành vào cuộc và nhiều chính sách được đề xuất để quản KOL, KOC quảng cáo trên không gian mạng

Người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL/KOC khi quảng cáo sản phẩm phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Trước thực trạng quảng cáo "thổi phồng" công dụng diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy hại cho người tiêu dùng và đe dọa quyền lợi của các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo 2012 (dự thảo) đã có nhiều điểm mới, trong đó quy định nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng - là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký (follow/subscribe) từ 500.000 trở lên.

Theo đó, người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa như mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…, dịch vụ trên mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc đã sử dụng sản phẩm…

Và chỉ quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ được cơ quan chức năng cấp phép. Đây được xem là biện pháp ngăn chặn tình trạng người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOL, KOC), các nghệ sĩ lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để giới thiệu các sản phẩm không đúng chất lượng.

Screenshot (3)
Nghệ sĩ Quyền Linh từng xuất hiện trong quảng cáo An giáp vương

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quảng cáo, tiêu dùng, quy định của dự thảo chưa chặt chẽ, chẳng hạn người có ảnh hưởng tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn khá chung chung, chỉ nói là chuyên gia, người có uy tín… nhưng chưa có đơn vị đo lường cụ thể nên việc xác định đối tượng nào là người có tầm ảnh hưởng và chịu sự điều chỉnh như thế nào là rất khó.

Thêm nữa, "quy định đã sử dụng sản phẩm mới được đăng tải ý kiến, cảm nhận trên mạng" cũng chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng quảng cáo thổi phồng, vì không có cơ sở nào để giám sát người nổi tiếng đã dùng sản phẩm và đánh giá chất lượng liệu có khách quan không.

Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ, KOL, người nổi tiếng quảng cáo nhiều dịch vụ nhưng nội dung quảng cáo chưa được cấp phép, người xem hay làm theo và tin và giới nghệ sĩ. Hiện, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào rà quét để xử phạt về những quảng cáo chưa được kiểm chứng nội dung trên không gian mạng vô tình tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh nhiều mặc hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.

Cần chế tài nghiêm khắc

Thời gian qua, nhiều bạn đọc gửi thư phản ánh đến Tạp chí Tiếp thị và Gia đình, theo phản ánh của bạn đọc, đa số bạn đọc bị lừa là do tin vào hình ảnh quảng cáo của người nổi tiếng, nghệ sĩ và KOL. Các cơ sở này đăng tải nhiều nội dung mà người nổi tiếng đánh giá tốt khi sử dụng dịch vụ như làm đẹp, thực phẩm chức năng hay các loại sữa. Tuy nhiên, người tiêu dùng sử dụng thì phát hiện các dịch vụ hay sản phẩm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, điều này gây bức xúc dư luận xã hội.

IMG_1330
Diễn viên Thanh Thức xuất hiện trong video có nội dung quảng cáo cho chân mày phong thủy Hương Giang

Ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, đề nghị quy định người có tầm ảnh hưởng là những người nổi tiếng, có lượng theo dõi trên mạng xã hội từ 150.000 - 200.000. Bởi, nếu đưa ra con số 500.000 lượt theo dõi thì doanh nghiệp quảng cáo sẽ hợp tác với KOLs có mức thấp hơn để lách luật nhằm quảng cáo sản phẩm có thông tin không chính xác. Đồng thời, cần quy định thêm trước khi quảng cáo hay đăng trải nghiệm sản phẩm, người nổi tiếng phải thông báo và cần có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng để ngăn chặn từ đầu, tránh trường hợp sự cố xảy ra rồi mới xử lý.

Một luật sư chuyên lĩnh vực thương mại điện tử cũng góp ý dự thảo luật không nên chỉ dựa vào số lượt theo dõi để đánh giá người đó có tầm ảnh hưởng hay không vì tài khoản theo dõi có thể là "ảo", còn những người dù có 50.000 - 100.000 lượt follow trên mạng nhưng lời nói của họ lại rất có "trọng lượng".

IMG_1707(1)
Nhiều nghệ sĩ xuất hiện trong nội dung quảng cáo cho cơ sở chân mày phong thủy Ngọc San

 "Quy định đã sử dụng sản phẩm mới được quảng cáo cũng chưa phù hợp. Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ nên xem đây chỉ là cơ sở để xử lý nếu xảy ra vấn đề về sản phẩm do người nổi tiếng quảng cáo. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cấm người nổi tiếng hợp tác quảng cáo trong 6 tháng đến 1 năm (tùy mức độ) kèm phạt tiền 10%-20% trên tổng doanh thu hàng hóa bán ra, đồng thời phạt cả đơn vị đang hợp tác với KOL, cũng như nhà kinh doanh sản phẩm nếu để xảy ra sự cố với người dùng" - luật sư này nói.

Đề xuất một số giải pháp quản lý, sử dụng KOL trên mạng

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp quản lý, sử dụng KOL trên mạng như: Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật cho công tác quản lý KOL trên không gian mạng nói riêng và mạng xã hội nói chung, để hoạt động của các KOL trên mạng đi vào khuôn khổ, có định hướng đúng đắn.

Theo đó, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TT&TT đề xuất bổ sung các quy định về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo; phân biệt quảng cáo với nội dung thông tin khác; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận trên mạng xã hội về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm; yêu cầu các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được hoạt động quảng cáo, livestream quảng cáo...

IMG_1334
Hoa hậu Kỳ Duyên xuất hiện trong nội dung được cho là quảng cáo cho cơ sở chân mày phong thủy Viên Viên

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP đang được trình Chính phủ, Bộ TT&TT đã bổ sung những quy định chặt chẽ hơn để quản lý hoạt động livestream trên mạng xã hội, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xác thực tài khoản, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin...; qua đó, điều chỉnh hoạt động của người sử dụng mạng xã hội nói chung và KOL nói riêng khi tham gia mạng xã hội. Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ sớm thông qua và ban hành Nghị định này để chính sách pháp luật sớm được áp dụng trong thực tiễn.

Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử, trong đó bổ sung các hành vi vi phạm và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm (bao gồm người nổi tiếng, KOL).

Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL; đồng thời, tập hợp, kết nối KOL để tham gia tuyên truyền về chủ trương chính sách, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, sáng tạo những nội dung có ích cho cộng đồng.

Với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Vì vậy, để quản lý hiệu quả không gian mạng cần có sự tham gia tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc quản lý KOL trên không gian mạng; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, phổ biến và hướng dẫn cho KOL về các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật để họ biết và tuân thủ, qua đó tăng hiệu quả quản lý và hỗ trợ phát triển đúng hướng.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề xuất giao các bộ, ngành, địa phương triển khai quản lý, rà soát, xử lý KOL vi phạm theo quy định pháp luật về hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh thương mại điện tử, vi phạm về hình sự, cụ thể như:

Bộ Công an chủ trì rà soát, xây dựng danh sách, xác thực danh tính, thông tin liên lạc, đánh giá tổng quan hoạt động của các đối tượng KOL cần tập trung quản lý.

IMG_1325
Diễn viên Nguyệt Ánh

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc rà soát, quản lý hoạt động của người nổi tiếng, KOL về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo; chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng và triển khai quy trình hạn chế phố biến hình ảnh, âm thanh trên báo chí, mạng xã hội, hạn chế tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, hoạt động quảng cáo nhằm kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ người nổi tiếng, KOL không tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức.

Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, xử lý vi phạm của người nổi tiếng, KOL về hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo trên mạng; tập hợp, kết nối KOL để tham gia hỗ trợ, quảng bá về chủ trương chính sách, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời khuyến khích các KOL sáng tạo những nội dung có ích; xem xét có cơ chế đánh giá KOL; khen thưởng, trao giải tôn vinh đóng góp của các KOL, nhà sáng tạo nội dung số có đóng góp tích cực cho đất nước, cộng đồng.

Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại, tư vấn, bán hàng hóa, dịch vụ của các KOL, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu nhập và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các KOL nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế.

Bộ Y tế rà soát, xử lý vi phạm của người nổi tiếng, KOL trong hoạt động quảng cáo cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, các sản phẩm, dịch vụ y tế, thẩm mỹ...

Các bộ, ngành khác tăng cường rà soát, xử lý vi phạm trong hoạt động của người nổi tiếng, KOL trong lĩnh vực mình quản lý; xem xét bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm là nghệ sĩ, người  nổi tiếng, KOL, có thể cân nhắc phạt tiền theo mức thu nhập để đảm bảo tính răn đe.

Nghị định 70 về hoạt động quảng cáo

Ngày 20/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.

+ Theo đó người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

+ Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google...) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật.

+ Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Cùng chuyên mục